Thứ tưởng bỏ đi nay thành món ăn đặc sản nổi tiếng, được dân thành phố ưa chuộng, có tiền cũng khó mua được

Ít ai biết rằng phần đọt non trắng ngà, giòn ngọt của những cây đủng đỉnh mọc lặng lẽ bên bìa rừng lại có thể chế biến thành món ăn độc đáo, lạ miệng.

Nhắc đến củ hũ – phần đọt non, trắng nõn nằm sâu trong thân đỉnh của một số loài cây thuộc họ cau, người ta thường nghĩ ngay đến củ hũ dừa, củ hũ chà là hay củ hũ dứa. Những cái tên này đã quen thuộc trong các bữa ăn của người dân Nam Bộ hay miền Trung, được yêu thích bởi vị ngọt thanh, tính mát và độ giòn đặc trưng. Thế nhưng, ít ai biết rằng ở một số vùng rừng núi của Việt Nam, còn có một loại củ hũ khác, lạ hơn và hiếm hơn, đó chính là củ hũ đủng đỉnh.

Cây đủng đỉnh mọc ở bờ bụi hoặc trong rừng sâu

Cây đủng đỉnh (còn gọi là đùng đình, cây móc), tên khoa học Caryota mitis, là một loài thực vật thuộc họ cau, có nguồn gốc từ Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Ở Việt Nam, loài cây này mọc hoang nhiều ở bìa rừng, bờ bụi các tỉnh như Phú Thọ, Lai Châu, Nghệ An, Đà Nẵng, Gia Lai... Cây trưởng thành cao khoảng 3–4m, thân hình trụ, lá xòe hình nan quạt rất đẹp mắt nên ngày nay được trồng làm cây cảnh. Ngày xưa, hoa và lá cây đủng đỉnh còn được người dân dùng để trang trí trong các đám cưới truyền thống.

Điều đặc biệt ít người biết là phần đọt non, còn gọi là củ hũ đủng đỉnh có thể dùng làm thực phẩm. Đây là bộ phận nằm sâu trong phần ngọn cây, muốn lấy được phải chặt cả cây, bóc từng lớp bẹ cứng bên ngoài cho đến khi lộ ra phần lõi mềm màu trắng ngà. Tuy kích thước nhỏ hơn nhiều so với củ hũ dừa, nhưng củ hũ đủng đỉnh lại nổi bật bởi độ giòn, vị ngọt thanh và mùi hương tự nhiên, rất được lòng người sành ăn.

Tuy nhiên, khai thác củ hũ đủng đỉnh không phải chuyện dễ. Cây rất ngứa, dễ gây dị ứng da nên khi thu hoạch, người ta phải mặc đồ bảo hộ kỹ lưỡng. Hơn nữa, mỗi cây chỉ cho một ít củ hũ, phải từ 3–4 cây mới thu được 1kg, nên loại đặc sản này ngày càng hiếm. Những người dân sống gần rừng như anh Hải (Nghệ An) cho biết: "So với củ hũ dừa, mình thấy củ hũ đủng đỉnh ăn giòn và ngọt hơn. Ai ăn rồi chắc chắn sẽ nhớ mãi không quên".

Củ hũ đủng đỉnh có thể chế biến thành nhiều món ngon: xào bò, xào tỏi, nấu canh xương, luộc chấm nước mắm, thậm chí ăn sống. Người miền Trung, đặc biệt là dân đi rừng, từng dùng củ hũ đủng đỉnh như món "cứu đói" dọc đường bởi nó ngọt, mát và có nhiều nước. Anh Linh (Đà Nẵng) chia sẻ: "Khi chặt về, phải ngâm củ hũ đủng đỉnh với nước muối để giữ được màu trắng. Thái nhỏ ra xào với tép, với bò, hoặc làm gỏi... Càng nhai càng ngọt, càng cảm được vị rừng núi".

Ngày nay, khi cây đủng đỉnh trong tự nhiên dần trở nên hiếm, muốn ăn được món này phải vào rừng sâu hoặc chờ người dân đem ra chợ quê bán, thường rất nhanh hết. Một số nhà hàng đã bắt đầu đưa củ hũ đủng đỉnh vào thực đơn như một loại đặc sản núi rừng hấp dẫn, được nhiều thực khách săn đón. Theo khảo sát, 1kg củ hũ đủng đỉnh có giá khoảng 50.000 đồng nhưng không phải lúc nào cũng mua được.

Bạn có thể quan tâm