Nhà báo Phạm Tấn (Truyền hình K+) đã phân tích về tình huống này như sau: Ở pha đá phạt đền đầu tiên của Tấn Sinh, thủ môn Nont của Thái Lan và tiền đạo Hà Đức Chinh đều mắc lỗi.
Nont di chuyển 2 chân lên trên vạch khung thành (goalline), trong khi Hà Đức Chinh lao vào trong. Hai diễn biến này xảy ra sau thời điểm trọng tài chính Habib thổi còi và trước khi Tấn Sinh thực hiện sút phạt. Trọng tài đã cho đá lại vì thủ môn Nont mắc lỗi.
Ông Habib đã hỏi trợ lý trọng tài trước khi ra quyết định bởi nhiệm vụ của trợ lý trong tình huống này là quan sát thủ môn. Trọng tài chính trong khi đó có trách nhiệm quan sát cầu thủ đá phạt và các cầu thủ còn lại.
|
Tiến Linh đá phạt đền thành công. |
Nếu Nont không bị xác định có lỗi ở pha cản phá này, Thái Lan sẽ được cho đá phạt gián tiếp vì lỗi của Đức Chinh lao vào đá bồi trước khi Tấn Sinh sút. Khi Tiến Linh thực hiện quả đá phạt đền, bàn thắng của Tiến Linh được công nhận.
Về việc HLV Park Hang Seo đổi người đá phạt đền, nhà báo Phạm Tấn cho biết ông Park không ủng hộ việc tranh nhau đá phạt penalty. Nhưng ông cũng không có xu hướng dùng lại những cầu thủ đã từng đá trượt để thực hiện 1 quả 11m trong tương lai. Trung vệ Bùi Tiến Dũng (Viettel) là một ví dụ của việc này.
Dẫu sao, quyết định của ông Habib đã giúp U22 Việt Nam có kết quả hòa trước U22 Thái Lan, vừa đủ để kết thúc vòng bảng với vị trí nhất bảng B.
Thầy trò ông Park Hang Seo nhờ vậy chỉ phải gặp U22 Campuchia ở Bán kết SEA Games 30, một đối thủ dễ chịu hơn nhiều so với U22 Myanmar.