Brooks Running - công ty chuyên sản xuất giày và trang phục thể thao trực thuộc tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffett - sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp diễn và chưa đi đến một kết quả cuối cùng.
Quyết định chuyển sản xuất sang Việt Nam được Tổng giám đốc Jim Weber của Brooks tiết lộ trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters ngày 2/5.
Theo ông Weber, công ty đi đến quyết định này vào tháng 1 năm nay, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất áp thêm thuế quan 25% lên giày dép từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, ngoài mức thuế 20% đã duy trì từ nhiều năm nay.
Ông Weber - người điều hành Brooks từ năm 2001 - nói đề xuất trên của ông Trump đặt ra sức ép lớn đối với Brooks vì công ty không thể dễ dàng tăng giá bán sản phẩm từ mức 100-160 USD/đôi hiện nay. Và dù căng thẳng thương mại đã lắng xuống, công ty không thể chờ đợi một giải pháp cuối cùng từ các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ rút hầu hết hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc", ông Weber nói. "Tôi buộc phải đi đến một quyết định dài hạn… Đến cuối năm nay, phần lớn hoạt động sản xuất của chúng tôi sẽ diễn ra ở Việt Nam".
Vị CEO cho biết thêm, khoảng 8.000 việc làm sẽ được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam theo quyết định này.
Việt Nam hiện chiếm khoảng 55% hoạt động sản xuất giày chạy của Brooks, và Trung Quốc chiếm phần còn lại. Sản phẩm giày chạy của Brooks được tiêu thụ tại 56 quốc gia trên thế giới và chiếm phần lớn trong doanh thu hàng năm của công ty.
Brooks trở thành một phần của Berkshire vào năm 2006, khi một công ty con của Berkshire mua lại Brooks. Năm ngoái, doanh thu của Brooks tăng 26%, đạt 644 triệu USD.
Trong 4 tháng đầu năm nay, doanh thu của Brooks tăng 22%. Công ty đặt mục tiêu doanh thu cả năm 2019 là 750 triệu USD và đến 2021 sẽ đạt 1 tỷ USD. Ngoài giày chạy, Brooks còn sản xuất và bán quần áo thể thao.
Ông Weber nói rằng Brooks có thể bắt đầu sản xuất giày tại một quốc gia nữa bắt đầu từ năm tới, ngoài Trung Quốc và Việt Nam, nhưng chưa quyết định đó là sẽ là nước nào. Tỷ lệ sản lượng cuối cùng của Brooks có thể sẽ là 65% từ Việt Nam, 10% từ Trung Quốc, và 25% từ một nước khác.
Việt Nam đang nổi lên thành một điểm đến được các công ty ưa chuộng khi chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vì nỗi lo thuế quan.
"Chúng tôi tin rằng cuộc đàm phán thương mại đang khiến cho tình hình trở nên khó lường hơn", một phát ngôn viên của Brooks nói với tờ Nikkei Asian Review. "Chúng tôi cần bắt tay vào việc vạch ra kế hoạch để đảm bảo tương lai cho hoạt động kinh doanh của mình".
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn đang diễn ra, với vòng đàm phán mới nhất vừa khép lại ở Bắc Kinh tuần này, và vòng tiếp theo - dự kiến là cuối cùng - sẽ diễn ra ở Washington vào tuần tới.
Giới quan sát đang kỳ vọng một thỏa thuận sẽ được hai bên công bố trong thời gian sớm. Tuy nhiên, giới chức Mỹ gần đây cảnh báo rằng sẵn sàng rút lui khỏi bàn đàm phán nếu không đạt một thỏa thuận như mong muốn.