Tuần trước, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã VPB) đã bất ngờ lấy ý kiến bằng văn bản về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Danh sách cổ đông được chốt vào ngày 13/7/2021.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, VPBank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức gây sốc: 80% bằng cổ phiếu (tỷ lệ 100:80).
|
VPBank sắp trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. |
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tổ chức cuối tháng 4/2021, lãnh đạo ngân hàng này trình cổ đông thông qua phương án không chia cổ tức mà giữ lại khoản lợi nhuận 8.851 tỷ đồng còn lại sau khi trích quỹ bắt buộc để phục vụ hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thời điểm đó, Chủ tịch HĐQT VPBank đã hé lộ kế hoạch tăng gấp 3 vốn điều lệ vào năm 2022.
Tuy nhiên, có vẻ như VPBank đang đẩy nhanh quá trình tăng vốn, chia thành nhiều bước.
Khả năng, quá trình tăng vốn của VPBank sẽ diễn ra theo 2 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành ESOP và bán cổ phiếu quỹ.
Kịch bản thứ hai, ngoài các phương án tăng vốn như trên, VPBank sẽ có thêm nguồn vốn khủng nhờ việc hoàn tất phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Hiện room ngoại tại VPBank là 20,8% (ngày 3/6).
Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa nâng giá mục tiêu của cổ phiếu VPB từ mức 51.500 đồng/cổ phiếu lên 85.700 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 66%. Cơ sở cho việc nâng giá mục tiêu này là lợi nhuận VPBank sẽ tăng mạnh sau khi có cổ đông chiến lược ngoại.
Theo kế hoạch, năm nay, VPBank sẽ phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, giúp ngân hàng tăng vốn 150 tỷ đồng.
Với mức định giá của VCSC, nếu bán hết hơn 75 triệu cổ phiếu quỹ cho đối tác ngoại, ngân hàng sẽ thu về thêm 6.446 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ mang về cho ngân hàng gần 19.300 tỷ đồng với room hiện tại (room tại ngày 3/6 là 20.8%). Nếu tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nước ngoài được nới thêm thời gian tới, số tiền thu về từ phát hành riêng lẻ sẽ thay đổi tương ứng.
Theo đánh giá của chuyên gia phân tích một công ty chứng khoán, năm 2021, VPBank sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế siêu khủng, lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, bao gồm lợi nhuận thu về thương vụ bán 49% vốn của FE Credit giá trị 1,4 tỷ USD, thương vụ hợp tác vởi bảo hiểm AIA (ước khoảng 6.000 tỷ đồng), lợi nhuận từ ngân hàng mẹ và từ công ty con FE Credit.
Nếu kế hoạch tăng vốn thành công, vốn tự có của ngân hàng mẹ VPBank năm 2021 sẽ tăng từ mức 38.450 tỷ đồng hiện nay lên gấp đôi, gấp ba.
Cổ phiếu VPB được khối tự doanh gom mạnh các phiên giao dịch gần đây. Chốt phiên giao dịch sáng 1/7, cổ phiếu VPBank đứng ở mức 69.900 đồng/cổ phiếu, tăng 2,2 điểm so với đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua. So với đầu năm, giá cổ phiếu VPB đã tăng gấp đôi.