VN-Index thủng mốc 950, nhà đầu tư lần nữa 'réo tên' chuyên gia Lã Giang Trung

Đầu tháng 5/2022, ông Lã Giang Trung liên tục đưa ra dự báo VN-Index về 950 điểm tạo nhiều tranh cãi trong cộng đồng đầu tư chứng khoán. Đến nay các nhận định của chuyên gia này đã thành sự thật.
Kết phiên 10/11, VN-Index giảm 38,35 điểm (3,89%) còn 947,24 điểm, HNX-Index giảm 9 điểm còn 192,39 điểm. Như vậy, VN-Index chính thức thủng mốc 950 điểm – như chuyên gia Lã Giang Trung đã từng cảnh báo.
Số cổ phiếu giảm hôm nay lên tới 735 mã (trong đó 303 mã giảm sàn) cho thấy tâm lý thị trường đang rất tiêu cực. Nhiều cố phiếu vốn hóa lớn như MSN, HPG, GVR, VPB, CTG, NVL… đều giảm sàn.
Toàn bộ các nhóm ngành đều nhuốm sắc đỏ. Nhóm giảm mạnh nhất là chứng khoán với 24/25 mã giảm, 16 mã sàn. Các ông lớn trong nhóm như SSI, HCM, VCI, VND, MBS, SHS… đi đều trong sắc sàn.
VN-Index thung moc 950, nha dau tu lan nua 'reo ten' chuyen gia La Giang Trung
 
VN-Index thung moc 950, nha dau tu lan nua 'reo ten' chuyen gia La Giang Trung-Hinh-2
 VN-Index thủng mốc 950 phiên 10/11.
Vào tháng 5/2022, ông Lã Giang Trung, Tổng giám đốc Passion Investment đánh giá hiện tại VN-Index đang ở mức trên 1.200 điểm, so với giai đoạn trước đã tăng trưởng khoảng 30%.
Ông Trung cho rằng mức định giá thị trường vẫn đang cao và cần giảm thêm chút nữa. Tuy nhiên, nếu nhìn theo tính chu kỳ của nền kinh tế đang kết thúc, việc tăng lãi suất diễn ra rất nhanh, tỷ lệ P/E thị trường chấp nhận sẽ giảm xuống thấp hơn so với năm 2019.
Theo ông Trung, năm 2020 - 2021 thị trường ở trong một chu kỳ đi lên nên các đợt giảm mang tính chất điều chỉnh. Còn hiện tại, thị trường đang trong chu kỳ đi xuống và kết thúc một giai đoạn kinh tế, thông thường sẽ giảm 30 - 40% từ đỉnh. Với việc thắt chặt tiền tệ của Fed, tình hình lạm phát cao, VN-Index có khả năng đi về 950 điểm.
Với nhận định này, ông Trung đã khuyến nghị nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy. Với kịch bản xấu hiện tại, vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần giảm tỷ lệ cổ phiếu xuống còn 40% để bảo toàn vốn cho một chu kỳ tăng tiếp theo. Nếu nhà đầu tư không đủ kinh nghiệm và kỹ năng nên ngồi im đợi chu kỳ giá xuống.
Với những quan điểm tiêu cực trên, không ít nhà đầu tư trên các nhóm/diễn đàn đã tranh cãi khá nhiều và dùng lời lẽ khá tiêu cực và thậm chí quăng khá nhiều “gạch đá” cho vị chuyên gia này.
Trong bài Phỏng vấn tại tháng 10, quan điểm của ông Trung về việc VN-Index về mức 950 chưa thay đổi. Cơ sở dự báo này dựa vào quá trình bắt đầu từ tháng 3/2022, Fed đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, điều này ảnh hưởng đến các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Chính sách thắt chặt sẽ làm giảm thanh khoản. Quá trình vừa qua là thắt chặt chính sách tiền tệ một cách từ từ và thị trường chứng khoán giảm từ đấy cho đến bây giờ. Quá trình đi xuống này sẽ dừng lại khi việc thắt chặt tiền tệ dừng lại và chuyển sang nới lỏng.
Trong ngắn hạn, biến động của các chỉ số phụ thuộc vào thời gian áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, thời gian áp dụng lâu thì thị trường sẽ còn đi xuống sâu.
Nếu xét trong trung hạn (1 năm), VN-Index sẽ tốt hơn so với thời điểm hiện tại bởi theo dự báo đến tháng 3/2023, Fed sẽ dừng chính sách thắt chặt tiền tệ, lúc đó thị trường sẽ đi lên. Tất nhiên thị trường sẽ có lúc tăng lúc giảm, như vừa qua từ 1.530 xuống quanh mức 1.030, song khi kinh tế phát triển thì về dài hạn chứng khoán tất nhiên sẽ tiếp tục tăng trưởng và hoàn toàn có thể vươn lên đỉnh cao mới.
Ông Lã Giang Trung là ai?
Ông Lã Giang Trung hiện là Tổng giám đốc của CTCP Passion Investment, ngoài ra ông còn là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Hestia (HSA) – doanh nghiệp hoạt động tư vấn tài chính và nắm hơn 60% vốn tại HSA.
VN-Index thung moc 950, nha dau tu lan nua 'reo ten' chuyen gia La Giang Trung-Hinh-3
 Ông Lã Giang Trung.
Ông Trung thành lập CTCP Passion Investment (PI) vào năm 2015, một công ty tư vấn chứng khoán và hợp tác đầu tư. Từng chia sẻ về quá trình thành lập PI, ông nói rằng lúc đầu ông chỉ có 2 tỷ đồng trong tay và đủ cho công ty hoạt động được 3 năm. Nhưng chỉ trong vòng một năm sau, ông đã tự kiếm cho bản thân mình được 1 triệu USD.
Để kiếm được số tiền “khủng” đó, ông Lã Giang Trung đã đi theo phương pháp riêng như lúc đầu ông mong muốn là chỉ tập trung vào một vài cổ phiếu trên sàn. Nhờ vậy mà năm 2016 - 2017, khi “tất tay” vào những cổ phiếu như: MWG, PNJ,... đã mang lại trái ngọt.
Ông từng chia sẻ rằng bản thân rất thích cổ phiếu MWG. Ông đầu tư mã cổ phiếu này từ 2016 đến cuối 2017 thì bán hết khi giá trên đỉnh, đến năm 2019 thị trường khó khăn, ông tiếp tục quay lại mua và bán hết đầu 2020 cũng gần đỉnh. Cứ mỗi lần mua là ông đều bán được giá ở “đỉnh”.
Giai đoạn 2016 - 2017, PI đã đem lại tỷ suất lợi nhuận khủng cho khách hàng của mình, lần lượt là 95% và 50%. 
Tuy nhiên, chính vì chiến lược all-in này đã khiến ông ngậm trái đắng khi dồn tiền vào VPB, nhưng cổ phiếu này lại sụt giảm.
Ông Trung cho biết các nhà đầu tư giỏi nhất trên thế giới thường không đa dạng hóa danh mục quá lớn, có đa dạng hóa nhưng ở mức vừa phải, ngay quỹ đầu tư Berkshire Hathaway của Warren Buffett hiện tại danh mục đầu tư gần 300 tỷ đô nhưng tới 50% tỷ trọng vào cổ phiếu Apple.
"Khi đầu tư chuyên nghiệp, mục tiêu chúng tôi hướng tới là phải có lợi nhuận cao hơn thị trường, do đó không thể đa dạng hóa quá nhiều mà tập trung vào một số cổ phiếu tốt, tất nhiên nếu dự báo đúng. Còn nếu dự báo sai thì thua lỗ", ông Trung nói. Do đó, đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, dự báo đúng, lựa chọn đúng là sứ mệnh.
Ông Trung kể "trải nghiệm đau thương" khi năm 2018 gần như tất tay vào cổ phiếu VPB của VPBank nhưng thất bại và thua lỗ hàng trăm tỷ: "Đối với tôi, quãng thời gian 2015-2018, giai đoạn đầu tư của Passion phải đến 90% là đúng. Tỷ lệ đúng rất cao khiến tôi cảm thấy tự tin. Khi thành công diễn ra liên tục, tỷ lệ đặt cược của mình tăng dần theo thời gian. Từ đó dẫn đến câu chuyện tất tay vào VPB. Khi rút khỏi, chúng tôi lỗ bình quân khoảng 20%, tỷ lệ không lớn nhưng số tiền tuyệt đối là rất nhiều".
CEO Passion Investment nói: "Từ đó tôi rút ra kinh nghiệm, bất kỳ quyết định, ở thời điểm nào đều có khả năng đúng hoặc sai. Mình phải có kế hoạch, nếu đúng và nếu sai trước khi mình làm".
Với thương vụ đầu tư vào VPB, ông Trung chia sẻ, sau khi thua lỗ, điều đầu tiên là trả tiền cho mọi người. Và điều thứ hai là ông rút ra trong phương pháp đầu tư điểm yếu ở đâu và để điều chỉnh.
Nhà đầu tư hay quên và điều này có thể dẫn đến sai lầm trong tương lai khi quên đi sai lầm trước đây. Nhà đầu tư chỉ duy trì được kỷ luật khi nhìn lại những cảm xúc đau thương đó. "Chúng ta đúng 9 lần, nhưng lần sai thứ 10 có thể là lần mất hết", vị chuyên gia chia sẻ.
Sau cú thất bại nhớ đời vì cổ phiếu VBP, ông Lã Giang Trung đã nhận ra là yếu tố thị trường tác động rất lớn. Nên đã chuyển sang chiến lược đa dạng hóa danh mục đầu tư, tập trung vào nghiên cứu thị trường, và kết quả là quay trở lại mức tăng trưởng mạnh những năm gần đây.
Năm 2019, quỹ của vị doanh nhân này đã mang lại hiệu suất 36,49%. Giai đoạn 2020 - 2021, mức tăng trưởng còn “khủng” hơn khi lần lượt ở mức 88,53% và 101,81%.
Tuy vậy Passion Invest đang gặp rắc rối về vấn đề pháp luật khi vào ngày 5/10 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ra cảnh báo về một số doanh nghiệp thành lập app, website để huy động vốn đầu tư mà chưa được cấp phép.
Đáng chú ý là trong đó có đề cập đến Passion Invest của ông Lã Giang Trung và UBCKNN cảnh báo có thể gặp rủi ro khi giao dịch ở những app này vì không được pháp luật bảo vệ.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN