VN-Index sẽ vận động trong vùng 1.060 - 1.150 tháng cuối năm 2023?

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nghiêng về kịch bản VNIndex sẽ vận động trong vùng biên từ 1.060 đến 1.150 trong tháng cuối năm 2023.
Nhìn lại tháng 11, số liệu vĩ mô tháng cho thấy nền kinh tế vẫn trên đà phục hồi nhưng đã chậm lại phản ánh đúng bối cảnh vĩ mô hiện tại. Xuất nhập khẩu đều cho thấy xu hướng tăng trưởng so với cùng kỳ kéo theo chỉ số IIP tiếp tục xu hướng phục hồi.
Dù vậy, chỉ số PMI lại sụt giảm mạnh cho thấy lo ngại đơn hàng sẽ giảm mạnh khi mùa tiêu dùng cao điểm kết thúc. CPI tháng 11 chỉ tăng nhẹ 0,25% so tháng trước, dự báo CPI cả năm 2023 sẽ được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu.
Nỗi lo về tỷ giá dịu đi khi DXY hạ nhiệt, NHNN dừng phát hành tín phiếu và thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào. Lãi suất huy động tiếp tục giảm ở tất cả các nhóm ngân hàng và duy trì ở mức thấp trong lịch sử.
Còn về thị trường chứng khoán tháng 11, nhìn về bức tranh tổng quát, thị trường đã có những nhịp hồi phục tương đối tốt với biên độ rộng. Tuy vậy, sự tiêu cực trong tâm lý giao dịch của nhà đầu tư đang có phần lấn át khi các phiên điều chỉnh đều cho thấy phe bán thể hiện sự quyết liệt hơn với thanh khoản tăng đột biến và các vùng cản đều cho phản ứng bán mạnh mẽ. 
VN-Index se van dong trong vung 1.060 - 1.150 thang cuoi nam 2023?
 
VNIndex sẽ vận động trong vùng biên từ 1.060 đến 1.150 trong tháng cuối năm 2023?
Theo KBSV, xét thuần túy về mặt định giá, mức P/E của VNIndex khoảng 15,5 lần như hiện tại chỉ thấp hơn không nhiều so với mức bình quân 2 năm trở lại và không phải quá hấp dẫn (theo số liệu từ Bloomberg – mức P/E này đã loại bỏ các lợi nhuận bất thường của doanh nghiệp nên có sự khác biệt so với tính toán của các tổ chức khác).
Dù vậy, trên cơ sở mặt bằng lãi suất huy động đã xuống thấp kỷ lục, kỳ vọng nền kinh tế cũng như lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ cho thấy xu hướng hồi phục rõ nét trong quý 4 năm nay cũng như cả năm 2024, KBSV cho rằng định giá thị trường đã nằm ở vùng hấp dẫn để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu trung hạn.
Đối với biến động thị trường trong tháng 12, KBSV thiên về kịch bản giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo khi nhiều yếu tố thông tin trái chiều vẫn có thể tác động lên tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt liên quan đến rủi ro đồng USD hồi phục, việc điều tra mở rộng vụ án Vạn Thịnh Phát (nếu có), rủi ro từ thị trường bất động sản Trung Quốc, hay xung đột dải Gaza lan rộng....
Dưới góc độ kỹ thuật, xét trên khung thời gian tuần, việc chỉ số đang hình thành các mẫu nến spinning thân nhỏ với biên độ co hẹp dần cho thấy tương quan cung cầu đang tạm thời cân bằng tại vùng giá hiện tại. Sau một nhịp hồi phục từ đáy thì điều này hàm ý cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục ngắn hạn vẫn đang được để ngỏ cho VNIndex với đích đến kỳ vọng kế tiếp tại vùng kháng cự quanh 1.150 (+-10), tương ứng các ngưỡng Fibonacci thoái lui 50 và 61%.
Tuy nhiên, khi kết hợp quan sát chi tiết hơn nhóm cổ phiếu dẫn dắt đang có yếu tố thông tin cơ bản hỗ trợ, do đa số các mã đều chưa trải qua nhịp điều chỉnh đủ sâu để có thể tạo các nền giá bền vững nên khả năng bứt tốc và tăng mạnh trong ngắn hạn được đánh giá là khó xảy ra.
Với những cơ sở đó, rủi ro đảo chiều giảm điểm trở lại của chỉ số khi tiếp cận vùng kháng cự đã đề cập cần được tính đến và KBSV nghiêng về kịch bản (70%) VNIndex sẽ vận động trong vùng biên từ 1.060 đến 1.150 trong tháng cuối năm 2023. Với kịch bản còn lại (30%), chỉ số có thể điều chỉnh về sâu vùng đáy ngắn hạn cũ 1.005 (+-20) trước khi có thể tạo đáy và xuất hiện các nhịp hồi gối đầu mới.
Cổ phiếu nào cho tháng cuối năm?
Đối với danh mục khuyến nghị trong tháng 12, KBSV ưu tiên lựa chọn các mã cổ phiếu bao gồm: SSI, PNJ, ACB, DGW, NLG, DPM, HHV, HAH, VCB, KDH.
Trong đó, KBSV cho rằng SSI sẽ hưởng lợi từ xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất, giúp thanh khoản thị trường cải thiện mạnh so với cùng kỳ. Thêm vào đó, kỳ vọng triển khai hệ thống giao dịch KRX và đưa vào giao dịch trong ngành (T0), giúp thị trường giao dịch sôi động.
PNJ đạt KQKD quý 3 tích cực, bất chấp sức mua suy yếu nhờ việc chiếm lĩnh được thị phần. KBSV kỳ vọng sức mua sẽ có sự cải thiện rõ nét hơn trong quý 4, cũng là mùa tiêu dùng cao điểm của ngành trang sức.
Đối với ACB, ngân hàng vẫn giữ vững vị thế chất lượng tài sản an toàn top đầu ngành. KBSV kỳ vọng tín dụng hồi phục tích cực trong mùa cao điểm cuối năm.
DWG kỳ vọng đóng góp từ ngành hàng và thương hiệu mới. Khác biệt DGW với các nhà bán lẻ giúp bảo toàn lợi nhuận và phát triển bền vững.
Với NLG, doanh số bán hàng trong quý 3/2023 tiếp tục cải thiện so với các quý trước. Các dự án căn hộ trung cấp/vừa túi tiền vẫn thu hút được người mua có nhu cầu thực. NLG cũng có nền tảng cơ bản vững chắc với cơ cấu tài chính an toàn. 
KBSV kỳ vọng DPM có thể cải thiện biên lãi gộp nhờ tiêu thụ hết phần tồn kho giá cao và có hợp đồng giá khí đầu vào tốt hơn. Đồng thời nhu cầu tiêu thụ có thể cải thiện từ đầu năm 2024 khi thị trường nội địa bước vào vụ mùa mới.
Với HHV, ưu lượng tại các trạm BOT có sự cải thiện từ 5-20%Đẩy mạnh triển khai đầu tư công giúp thúc đẩy tăng trưởng mảng hạ tầng, cầu đườngBacklog tới 4,000 tỷ tại cuối quý 3/2023.
HAH ghi nhận giá cước có thể cải thiện do các vấn đề liên quan tới thời tiết, ảnh hưởng tới lưu lượng tàu tại các kênh đào. Khai thác cảng sẽ là nguồn thu ổn định cho HAH khi thị trường vận tải container gặp khó như hiện nay. HAH cũng tích cực mở thêm các tuyến vận tải mới, giúp củng cổ HĐKD và tăng sản lượng hàng qua cảng. 
Tín dụng VCB tăng tốc giai đoạn cuối năm 2023 và tăng tưởng bền vững trong năm 2024. Đồng thời ngân hàng có bộ đệm dự phòng vững chắc.
Cuối cùng là KDH, kỳ vọng dự án The Privia đạt tỷ lệ hấp thụ tốt, đóng góp vào doanh số bán hàng của KDH trong năm 2023-2024. Đồng thời kỳ vọng doanh số năm 2024 tăng trưởng mạnh.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN