Với việc mặt bằng lãi suất trong Q4/2023 thậm chí đã rơi xuống thấp hơn so với giai đoạn Covid-19, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ cho mức định giá của thị trường trong năm 2024.
Ở chiều ngược lại, những rủi ro mà nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phải đối mặt là: (1) xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ tạm ngưng trong bối cảnh cả sức mua (trong nước và thế giới) lẫn nhu cầu vốn của nền kinh tế Việt Nam đều chưa có sự cải thiện đáng kể; (2) giá cả hàng hóa bật tăng trở lại đi cùng xu hướng mạnh lên của đồng USD kéo theo mức lạm phát cao hơn; (3) căng thẳng địa chính trị trong khu vực và trên thế giới tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương maị và đầu tư lớn của Việt Nam.
Trong bối cảnh như vậy, diễn biến chung trên thị trường trong trung hạn nhiều khả năng sẽ là những nhịp tăng giảm đan xen đi cùng sự phân hóa mang tính “tách tốp” ở các ngành giữa các các doanh nghiệp đầu ngành với triển vọng kinh doanh ổn định và sức chịu đựng tốt hơn so với phần còn lại trong ngành đó.
Nhìn về dài hạn, VCBS tiếp tục cho rằng Việt Nam sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế trong khu vực giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 và tiếp tục duy trì sức hút lớn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII).
Nhìn chung, xu hướng của VN-Index kể từ giai đoạn dịch Covid-19 thường đồng pha với xu hướng biến động của mặt bằng lãi suất. Lựa chọn tham chiếu cho mặt bằng lãi suất là lãi suất huy động bằng VND trả sau kỳ hạn 12-13 tháng và điều chỉnh theo thanh khoản bình quân phiên trên thị trường trong từng giai đoạn cụ thể, VCBS dự báo mức cao nhất của chỉ số VN-Index có thể đạt được trong năm 2024 là vùng 1.300 điểm.
Tuy nhiên, VCBS cũng cần lưu ý rằng thị trường chứng khoán có khả năng sẽ ghi nhận những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm trong bối cảnh chịu tác động từ cả yếu tố hỗ trợ tích cực lẫn những tác động tiêu cực từ các rủi ro kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn đang hiện hữu.
Về thanh khoản thị trường, VCBS cho rằng nếu như mặt bằng lãi suất liên tục duy trì ở mức thấp trong phần lớn thời gian của năm 2024 thì có thể sẽ kích thích dòng tiền từ các nhà đầu tư trong nước chảy vào thị trường chứng khoán dồi dào hơn.
Tuy nhiên, bối cảnh đồng USD vẫn đang có xu hướng mạnh lên tương đối so với hầu hết các đồng tiền khác và mặt bằng lãi suất ở Mỹ vẫn tiếp tục giữ ở mức cao thì dòng tiền khối ngoại nhìn chung sẽ vẫn giữ xu hướng hạn chế giải ngân mới.
Trên cơ sở mô hình hồi quy giữa mức biến động của tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và mức biến động thanh khoản trên thị trường, VCBS dự báo giá trị giao dịch (GTGD) bình quân mỗi phiên có thể đạt khoảng 16.000 – 17.000 tỷ đồng trên cả ba sàn cho cả năm 2024, tương ứng giảm khoảng 5% so với năm 2023. Khối lượng giao dịch (KLGD) bình quân phiên cũng được kỳ vọng giảm khoảng 5% so với năm 2023, tương ứng đạt khoảng 830 – 850 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn.
Rẻ mua chơi, đắt nghỉ ngơi đồng tiền
Trong năm 2024, với kỳ vọng rằng sự phân hóa giữa các cổ phiếu sẽ tiếp tục rõ nét hơn đặt trong bối cảnh mức độ biến động lớn của thị trường, VCBS cho rằng nhà đầu tư cần vừa sàng lọc và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những doanh nghiệp có triển vọng tốt, vừa chú ý lựa chọn thời điểm giải ngân khi giá cổ phiếu vẫn đang được giao dịch ở vùng định giá hợp lý để đảm bảo mục tiêu quản trị rủi ro.
Cụ thể hơn, mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức thấp và vẫn có thể giảm thêm - dù chúng tôi cho rằng dư địa giảm thêm là không nhiều – là yếu tố hỗ trợ về đầu vào đối với ngành ngân hàng cũng như về mức định giá đối với cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, làn sóng chuyển dịch một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác trong khu vực châu Á vẫn đang diễn ra và là xu hướng dài hạn khó đảo ngược. Ngoài ra, hoạt động đầu tư công vẫn tiếp tục là điểm nhấn đáng chú ý trong thời gian tới.
Do đó, VCBS cho rằng một số nhóm ngành đáng chú ý trong năm 2024 sẽ là các cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp và thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào như hiện tại là yếu tố hỗ trợ tích cực về chi phí vốn cho hoạt động tín dụng của ngân hàng, phần còn lại là vấn đề tìm kiếm đầu ra. Dù phần lớn các ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực so với khối doanh nghiệp sản xuất trong năm 2023, sự phân hóa được kỳ vọng sẽ xuất hiện rõ nét hơn trong năm 2024.
Theo đó, những ngân hàng duy trì được chất lượng dư nợ tín dụng tốt, bất chấp bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn chung, sẽ là những lựa chọn đầu tư có rủi ro thấp với mức lợi nhuận chấp nhận được trong năm 2024.
Đồng thời, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp vẫn là rất lớn đi cùng với quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa, do đó nhà đầu tư có thể sàng lọc và tìm kiếm cơ hội đầu tư đối với những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đã bước sang chu kỳ bán hàng sau khi hoàn thành xong giai đoạn đầu tư.
Bên cạnh đó, để kích thích tăng trưởng kinh tế, chính phủ sẽ tiếp tục xu hướng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công với trọng tâm là các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, theo đó mang đến tác động tích cực cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng.
Ngoài ra, nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu với khung thời gian dài cho mục tiêu đầu tư tích sản có thể tìm kiếm cơ hội ở các ngành có tính chất “phòng thủ” - đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các cổ phiếu có đặc điểm như vậy thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và hoạt động ở những ngành như công nghệ thông tin, viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước,...