Vinpearl Air chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có cuộc họp do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chủ trì về việc thành lập các hãng hàng không mới. Theo đó, Bộ ủng hộ việc thành lập mới cả 2 hãng hàng không Vinpearl Air và Vietravel Airlines. Được biết, Vinpearl Air sẽ chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ.

Liên quan đến việc ủng hộ việc thành lập mới cả 2 hãng hàng không Vinpearl Air và Vietravel Airlines, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ GTVT) Lê Thị Thu Hà đề nghị “rà soát lại năng lực đáp ứng của hạ tầng”.

Trong khi đó, đại diện các Vụ Pháp chế cho rằng, tổ chức cán bộ đề nghị làm rõ phương án nhân lực sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thời gian qua đã xảy ra sự tranh giành quyết liệt nhân lực kỹ thuật cao trong ngành hàng không.

Vinpearl Air chon Noi Bai lam san bay can cu
 

Cũng ủng hộ thành lập hãng hàng không mới, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho hay, việc Vietravel chọn Phú Bài hay Vinpearl Air chọn Nội Bài làm sân bay căn cứ là khả thi. Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, việc khai thác vào khung giờ vàng, khung giờ đẹp tại 2 đầu Nội Bài và Tân Sơn Nhất là không còn.

Riêng đối với Vietravel Airlines, theo đại diện ACV, do bay thuê chuyến (charter) là chủ yếu nên việc cấp slot tại 2 đầu sân bay này càng khó khăn hơn vì thứ tự ưu tiên cấp slot của chuyến bay charter thấp hơn chuyến bay thường lệ.

Ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn đầu, Vietravel chỉ khai thác 3 tàu bay nên nhu cầu về chỗ đỗ không nhiều. Sức ép về cơ sở hạ tầng, chỗ đỗ, sức ép bay đến Nội Bài, Tân Sơn Nhất không phải là lớn. Khi Vietravel phát triển lên 6 tàu, hy vọng khi đó hạ tầng sẽ được cải thiện hơn. Hơn nữa, Vietravel lựa chọn chuyến bay charter vào những giờ không căng thẳng về slot thì vẫn khả thi.

Hiện các hãng hàng không mới cũng đã rút được kinh nghiệm liên quan đến vấn đề nhân sự (phi công và thợ kỹ thuật) và có những chuẩn bị cho mình, ông Cường nêu, Vietravel đã đi trước một bước khi góp vốn vào trường cao đẳng quốc tế Kent - một trường đào tạo nhân lực cho hàng không, trước mắt là tiếp viên, sau này có cả thợ máy và phi công.

“Về tổng thể, dự án Vietravel là phù hợp với quy hoạch, với nhu cầu phát triển của thị trường, phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng hàng không và phù hợp với quy hoạch mạng đường bay”, ông Cường đánh giá.

Với Vinpearl Air, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng cũng ủng hộ và cho rằng: “Không nghi ngờ gì khả năng của Vingroup trong việc tổ chức hãng hàng không”.

Cũng theo ông Thắng, kế hoạch đưa 5 - 6 tàu bay vào khai thác mỗi năm của Vinpearl Air là hết sức phù hợp. “Về hạ tầng, việc Vinpearl Air lấy Hà Nội làm sân bay căn cứ là hợp lý. Với 6 tàu bay vào năm 2020, 2021 lên hơn 10 tàu, Nội Bài vẫn gánh được”, ông Thắng nói.

Về nhân lực, ông Thắng cũng khẳng định cách tiếp cận thị trường của Vinpearl Air rất nghiêm túc khi đặt vấn đề nhân sự lên đầu tiên với việc công bố mở trường đào tạo trước khi công bố lập hãng. Hiện tại, trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không thuộc Tập đoàn Vingroup cũng đã công bố chính thức tuyển sinh khóa 1 với số lượng dự kiến 400 học viên phi công.

Liên quan đến các vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Lê Anh Tuấn cũng bày tỏ ủng hộ chủ trương thành lập hãng hàng không Vietravel Airlines và Vinpearl Air, tất cả các doanh nghiệp có quyền kinh doanh trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cấm. Tuy nhiên, hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, các doanh nghiệp khi tham gia sẽ phải đáp ứng đúng, đủ các điều kiện theo yêu cầu.

"Đã xây dựng dự án thì làm thế nào phải khả thi. Đã quyết định tham gia vào thị trường là phải chấp hành nghiêm các quy định", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo Nhân Hà / Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN