Dựa theo lịch sử giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu GTN, ước tính rằng Vinamilk đã mua lượng cổ phiếu này với giá trung bình khoảng 22.800 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, ước tính Vinamilk đã chi ra tổng cộng 3,400 tỷ đồng để thâu tóm 75% cổ phần của GTN.
Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), số vốn của Vinamilk chi ra cho thương vụ này có khả năng được giảm một phần một cách gián tiếp khi GTN đang xin ý kiến cổ đông để thoái vốn toàn bộ khỏi 3 công ty con ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi, dự kiến sẽ thu về số tiền khoảng 734 tỷ đồng. Ngoài lượng tiền mặt thu về, động thái thoái vốn này sẽ giúp đơn giản hóa cơ cấu doanh nghiệp của GTN.
Việc hợp nhất GTN khả năng sẽ không có tác động đáng kể ngay lập tức lên tình hình tài chính của Vinamilk do doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ khá nhỏ của GTN so với VNM.
Đơn cử, trong 9 tháng 2019, GTN ghi nhận doanh thu 2,3 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chỉ 7 tỷ đồng so với con số đạt lần lượt 42 nghìn tỷ đồng và 8,4 nghìn tỷ đồng của VNM.
Tuy nhiên, thâu tóm GTN sẽ mang lại một số lợi ích cho VNM trong dài hạn như gia tăng thị phần (công ty con mảng sữa của GTN, Sữa Mộc Châu, hiện đang ghi nhận doanh số bán sữa hàng năm khoảng 107 triệu USD so với doanh số bán sữa trong nước khoảng 2 tỷ USD của VNM trong năm 2019.
Đồng thời, VNM gia tăng nguồn cung sữa đầu vào trong nước nhờ đàn bò sữa của GTN cũng như quỹ đất tiềm năng để mở rộng chăn nuôi bò sữa (GTN hiện đang sở hữu khoảng 3.000 con bò sữa và thu mua từ khoảng 20.000 con bò sữa khác từ các hộ nông dân liên kết so với con số lần lượt là khoảng 30.000 và hơn 120.000 của VNM).
Cuối cùng là khiến các đối thủ cạnh tranh không thể thâu tóm Sữa Mộc Châu.