Vinaconex thoái vốn, rút khỏi dự án cảng nghìn tỷ tại Quảng Ninh

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) sẽ chuyển nhượng toàn bộ 2 triệu cổ phần đang nắm giữ tại Công ty Cảng Vạn Ninh trước ngày 20/6.   
Vinaconex vừa thông qua phương án chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đầu tư của doanh nghiệp tại CTCP Cảng quốc tế Vạn Ninh.
Theo đó, ‘ông lớn’ ngành xây dựng sẽ chuyển nhượng lại toàn bộ 2 triệu cổ phần đang sở hữu cho các nhà đầu tư quan tâm. Giao dịch sẽ được hoàn thành trước ngày 20/6/2024. Tuy nhiên, lý do thoái vốn đến nay không được tiết lộ.
Như vậy, sau khi hoàn tất chuyển nhượng, Vinaconex sẽ không còn vốn góp tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh.
Vinaconex thoai von, rut khoi du an cang nghin ty tai Quang Ninh
 Quyết định chuyển nhượng vốn góp của Vinaconex
Về tình hình kinh doanh quý 1/2024, Vinaconex đạt doanh thu gần 2.650 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
Chiếm phần lớn trong cơ cấu nguồn thu vẫn đến từ hoạt động xây lắp với 1.358 tỷ đồng, tương đương hơn 51%. Tiếp đến doanh thu từ bất động sản với 270 tỷ đồng, còn lại đến từ sản xuất công nghiệp, giáo dục…
Doanh thu tăng, cộng với giảm tải được chi phí lãi vay lớn, phần lỗ trong công ty liên doanh giảm, Vinaconex ghi nhận lãi sau thuế ở mức 482 tỷ đồng, tăng gấp hơn 25 lần so với cùng kỳ.
Về CTCP Cảng quốc tế Vạn Ninh, doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2018, có trụ sở tại Tp. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng do 3 cổ đông sở hữu: Dương Đông Group (nắm 65% cổ phần), ông Dương Văn Thành (nắm 15%) và ông Lê Tuấn Long (nắm 20%). Đến tháng 9/2021, Vinaconex mua lại 40% cổ phần của doanh nghiệp này, tương đương giá trị phần vốn góp là 198,7 tỷ đồng.
Cũng theo Vinaconex, Công ty cổ phần Cảng quốc tế Vạn Ninh là chủ đầu tư bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1. Toàn bộ bến cảng có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 480ha.
Theo mô tả, đây là cảng biển có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải lên đến 20.000 tấn, có chức năng đầu mối gom và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam với thị trường Trung Quốc.
Giai đoạn 1 có diện tích 82,8ha, tổng đầu tư dự kiến là 2.248 tỷ đồng. Quy mô đầu tư bến cầu chính dài 500m, có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải 20.000 tấn hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 tấn và đậu các sà lan ở mặt sau. Phía trong cảng là bến sà lan dài 180m, tiếp giáp bờ cùng hệ thống 3 cầu dẫn. Hạ tầng sau cảng sẽ có đường nối dài hơn 2km; khu kho, bãi hàng tổng hợp và container, kho CFS...
Vinaconex thoai von, rut khoi du an cang nghin ty tai Quang Ninh-Hinh-2
Phối cảnh dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh 
Dù được triển khai từ năm 2021 và dự kiến vận hành vào năm 2024, tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Tuấn - Giám đốc CTCP Cảng Quốc tế Vạn Ninh cho biết, đến nay tổng khối lượng thực hiện các hạng mục đang rất thấp, nhà thầu mới cơ bản hoàn thành công tác nạo vét, bơm cát san lấp nền bãi dự án, thi công tuyến đê bao…
Lý do chậm tiến độ bởi điều kiện khu vực thi công trên biển, thường xuyên có sóng to - gió lớn, nguồn vật liệu khan hiếm, dẫn đến công tác thi công liên tục trục trặc.
Trước những khó khăn trên, ông Hoàng Quang Hải - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh cho biết Sở đang tiến hành phối hợp với chủ đầu tư cũng như các đơn vị liên quan để rà soát khó khăn, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ.
Trước mắt sẽ đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho triển khai sớm công tác nạo vét luồng lạch vào cảng, có thể tận thu nguồn vật liệu nạo vét phục vụ cho hạng mục san lấp mặt bằng cảng; triển khai sớm các thủ tục cấp phép các mỏ nguyên vật liệu trên cơ sở quy hoạch đã được duyệt.
Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ các hạng mục thi công và thẩm định. Có thể xem xét, nghiên cứu thay phương án thi công cầu cho phương án đắp đường bằng vật liệu san lấp lấn biển trước đó.
Tại BCTC hợp nhất quý 1-2023, giá trị khoản đầu tư theo phương pháp vốn chủ sở hữu tại Cảng quốc tế Vạn Ninh được ghi nhận ở mức gần 200 tỷ đồng.
Thảo Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN