VietinBank vẫn đang 'dậm chân tại chỗ'

Những nỗ lực của VietinBank trong hoạt động chào bán trái phiếu nhằm cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn theo chuẩn Basel II, giữa bối cảnh việc tăng vốn điều lệ vẫn chưa có tín hiệu triển khai.

VietinBank, một trong 10 ngân hàng thuộc diện thí điểm thực hiện Thông tư 41, vừa thông báo phát hành thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu trong kế hoạch chào bán 5.000 tỷ đồng. Lượng trái phiếu này đủ điều kiện để tính vào vốn cấp 2 có kỳ hạn 7 năm và 10 năm. Ngân hàng dự kiến sẽ thực hiện chào bán 1.000 tỷ đồng trái phiêu đợt 2 trong tháng 10.

Những nỗ lực của VietinBank trong hoạt động chào bán trái phiếu nhằm cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn theo chuẩn Basel II, giữa bối cảnh việc tăng vốn điều lệ vẫn chưa có tín hiệu triển khai.

Trong số 10 ngân hàng diện thí điểm chỉ còn VietinBank và BIDV chưa được chấp thuận áp dụng Basel II. Gần đây, BIDV đã có tín hiệu mới khi chào bán 15% cổ phần cho KEB Hana Bank để tăng vốn điều lệ. Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú nói với Người Đồng Hành việc này dự kiến hoàn thành trong tháng 10. Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sau khi tăng vốn, BIDV có thể đạt chuẩn áp dụng Basel II vì NHNN đang tiến hành song song việc xét duyệt hồ sơ.

VietinBank vẫn đang “dậm chân tại chỗ”. Hiện nay, ngân hàng có 2 cổ đông ngoại là The Bank of Tokyo - Misubishi UFJ và IFC đang sở hữu lần lượt 19,73% và 5,39% vố. Trong khi đó, NHNN giữ 64,46% - con số thấp hơn mức tối thiểu 65% theo chủ trương của Chính phủ. Điều này khiến việc chào bán thêm vốn cho nhà đầu tư nước ngoài gặp bế tắc.

Đầu năm nay, trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Misubishi UFJ từng đề nghị sẵn sàng giúp VietinBank tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh và mong muốn Chính phủ tạo điều kiện hơn cho các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam. Ngân hàng Nhật Bản từng cho biết muốn nâng sở hữu tại VietinBank lên 50% cổ phần.

VietinBank van dang 'dam chan tai cho'

Thủ tướng tiếp ông Kanetsugu Mike, Tổng Giám đốc Ngân hàng MUFG. Nguồn: Chính phủ

Một phương án tăng vốn khác được VietinBank đưa ra trong phiên họp thường niên 2019 là chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu từ phần lợi nhuận sau thuế tích lũy. Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank khi đó cho biết trước mắt, ngân hàng sẽ xin chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017, 2018, 2019 hoặc để lại toàn bộ lợi nhuận để phục vụ cho việc tăng vốn. Với lợi nhuận năm 2018, ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ hơn 8,03% hoặc giữ lại toàn bộ.

Đến hiện nay, toàn bộ cổ tức 2 năm trước của VietinBank vẫn chưa chi trả. Dù vấn đề cấp thiết trong việc tăng vốn được lãnh đạo ngân hàng đề cập tại nhiều kỳ đại hội, phương án cổ tức cuối cùng tại VietinBank vẫn là chia tiền mặt theo chỉ đạo của NHNN và Bộ Tài chính do liên quan đến kế hoạch thu chi ngân sách. Tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên 2019, Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ nhấn mạnh tăng vốn là nhiệm vụ thiết yếu, vì nếu áp dụng theo Thông tư 41, CAR của ngân hàng đã dưới 8%.

Nửa đầu 2019, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 5.335 tỷ đồng, chỉ cao hơn 1,3% so với cùng kỳ năm trước, xếp nhóm 3 vị trí cuối trong các ngân hàng (loại bỏ các đơn vị có tăng trưởng âm). Dư nợ 6 tháng chỉ tăng 2,38%, trong khi kế hoạch cả năm là 6-7%. Kết quả này một phần đền từ việc mở rộng vốn hạn chế của ngân hàng.

Tạm thời gỡ khó bằng trái phiếu, chờ tăng vốn

Vào tháng 5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho phép VietinBank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất do ngân hàng tự quyết. Phương án này được cho là tạm thời để giải quyết vấn đề vốn của nhà băng này khi hạn chót để áp dụng Basel II từ năm 2020 đã gần kề.

Từ đầu năm, VietinBank công bố phát hành 5.650 tỷ đồng trái phiếu. Trong quý cuối, ngân hàng còn có thể “kêu gọi” gần 4.000 tỷ đồng loại chứng khoán nợ này để bổ sung vốn cấp 2. Thành công của các đợt phát hành trên sẽ là yếu tố quyết định tác động đến kết quả hoạt động và tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong năm nay và một vài năm tới, nếu phương án tăng vốn điều lệ vẫn bế tắc.

Một nguồn tin tại NHNN chia sẻ gần đây cho biết hiện chưa có thông tin cụ thể về việc tăng vốn hiện tại của VietinBank.  Tại buổi họp báo quý III, thông tin từ đại diện NHNN cho biết cơ quan này đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 4 ngân hàng quốc doanh. Đồng thời, NHNN cũng đang phối hợp với các bộ ban ngành khác để thực hiện các phương án tăng vốn của ngân hàng mà vẫn đảm bảo duy trì tỷ lệ chi phối. Tuy nhiên, việc làm việc và thương thảo với nhà đầu tư nước ngoài cần thời gian để thực hiện.

Hiện nay việc tăng vốn qua phát hành cho khối ngoại của VietinBank đang bị vướng bởi quy định sở hữu của Nhà nước tại ngân hàng. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp khó ở việc góp thêm vốn vào ngân hàng, một phương án từng được đề cập là sự tham gia của một cổ đông Nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC, từng cho biết có thể hỗ trợ VietinBank tăng vốn, nếu được lựa chọn tham gia với tư cách cổ đông Nhà nước. Theo đại diện SCIC, nếu VietinBank chọn tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu nhưng ngân sách không bố trí được vốn để tham gia, SCIC có thể "thế chỗ" cổ đông Nhà nước. "Quyết định này vừa đảm bảo VietinBank có thể tăng vốn thành công, vừa phù hợp với định hướng đầu tư của SCIC", ông Thành nói.

Nói về hoạt động đầu tư vào các ngân hàng, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cũng từng chia sẻ nếu được chấp thuận, VietinBank sẽ là khoản đầu tư tài chính, còn nếu đủ điều kiện trở thành cổ đông lớn sẽ là cơ hội SCIC giúp gia tăng nền tảng quản trị cho ngân hàng.  

Theo Lê Hải/NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN