VIB: Áp lực gia tăng nợ xấu vẫn còn lớn trong 2 quý tiếp theo

Chứng khoán MBS ước tính tín dụng năm 2023 của Ngân hàng TMCP Quốc tế (HoSE: VIB) chỉ tăng 9,9% và lên 14,8% trong 2024. VIB sẽ tăng vọt 303% dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 4.
Dự báo tăng trưởng tín dụng VIB năm 2023 chỉ 9,9% và lên 14,8% trong năm 2024
Tăng trưởng tín dụng đến cuối Q3/2023 của VIB đạt 5,4% so với đầu năm và 8% so với cùng kỳ. Mức ăng trưởng này tăng nhẹ so với Q2/2023 (5,2%) và Q1/2023 (+6,4%) nhưng vẫn thấp hơn mức 20,2% của Q3/2022.
Nhu cầu cho vay bán lẻ yếu xuất phát từ việc giảm chi tiêu và các hạn chế liên quan đến hoạt động cho vay bất động sản khiến các hoạt động cho vay mua xe và mua nhà, 2 mảng cho vay chủ lực của VIB, giảm tốc đáng kể trong 9T2023. Mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các ngân hàng niêm yết (8,9% so với đầu năm, 11,9% so cùng kỳ).
Dư nợ nhóm khách hàng doanh nghiệp tăng mạnh 46,8% so cùng kỳ trong khi tăng trưởng dư nợ nhóm khách hàng cá nhân chỉ đạt 3,9% so cùng kỳ.
Điều đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng của VIB tập trung chủ yếu trong Q3/2023 khi 6T2023 chỉ đạt 1.0%. Trong cơ cấu cho vay, nhóm bán lẻ mặc dù giảm tốc nhưng vẫn chiếm tỷ trọng 86% (2022 là 90%). Trong cơ cấu cho vay bán lẻ, các mảng cho vay mua nhà, mua ô tô và kinh doanh vẫn duy trì vị thế dẫn đầu chiếm lần lượt 54%, 16% và 19% tổng dư nợ bán lẻ. Ngoài ra, VIB cũng đứng thứ 2 về thị phần cho vay mua ô tô với thị phần 15%, xếp sau ngân hàng dẫn đầu với thị phần 16%.
MBS dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 của VIB đạt 9,9% trong đó nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn sẽ dẫn dắt trong Q4/2023.
Theo chia sẻ từ phía ngân hàng, 10-15% room tín dụng còn lại sẽ được dành cho các khách hàng doanh nghiệp lớn của ngân hàng và phần còn lại sẽ tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các mảng tài chính và chứng khoán.
Mặc dù room tín dụng còn lại của VIB đạt 8,8%, nhưng với tình hình nhu cầu tín dụng vẫn chưa có dấu hiệu khả quan nào từ các hoạt động cho vay mua nhà, mua xe, thẻ tín dụng, MBS cho rằng VIB sẽ không sử dụng hết room được cấp.
Trong năm 2024, MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của VIB sẽ đạt 14,8%, trong đó nhóm khách hàng cá nhân sẽ có tốc độ nhỉnh hơn so với nhóm khách hàng doanh nghiệp (15% so với 13%) với kỳ vọng rằng tăng trưởng tín dụng trong 6T2024 vẫn sẽ được dẫn dắt bởi nhóm khách hàng doanh nghiệp.
VIB: Ap luc gia tang no xau van con lon trong 2 quy tiep theo-Hinh-3
Tăng trưởng tín dụng Q3/2023 (YTD) của các NHTM niêm yết trên HOSE 
NIM Q4/2023 tăng 20 điểm cơ bản so với Q3/2023 đưa NIM cả năm đạt 4.8%
NIM trong Q3/2023 đạt 4,6%, giảm 25 điểm cơ bản so với quý trước và đi ngang so với cùng kỳ. Theo quan sát của MBS, lãi suất cho vay trong Q3/2023 đạt 9,7%, giảm 30 điểm cơ bản so với Q3/2022 do chính sách giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN nhằm hỗ trợ nền kinh tế khi nhu cầu tín dụng toàn ngành vẫn đang yếu đặc biệt là nhóm khách hàng doanh nghiệp, nhóm dẫn dắt tăng trưởng trong 9T2023. Tuy nhiên, luỹ kế 9T2023 NIM của VIB đạt 4,9%, tăng 20 điểm cơ bản so với 9T2022.
MBS dự báo NIM cả năm của VIB sẽ đạt 4,8%, với kỳ vọng NIM trong Q4/2023 sẽ tăng 20 điểm cơ bản so với Q3/2023 khi lãi suất huy động tiếp tục giảm và lãi suất cho vay sẽ được duy trì như trong 9T2023.
Sang năm 2024, MBS dự báo NIM của VIB sẽ đạt 5,1%, tăng 30 điểm so với 2023. Lãi suất huy động giảm mạnh giúp chi phí vốn giảm 70 điểm cơ bản so với 2023, từ đó giúp NIM tăng.
Nợ xấu và nợ nhóm 2 dự báo lần lượt 2,9% và 5,5% tại cuối năm 2023
Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, tỷ lệ nợ xấu (NPL) và nợ nhóm 2 của VIB đạt lần lượt 3,7% và 6,5%, tăng lần lượt 125 và 205 điểm cơ bản so với cuối năm 2022. Dư nợ nhóm 2-5 tăng 57% so với đầu năm 2023. Dư nợ tái cơ cấu tại cuối Q3/2023 đạt 815 tỷ đồng (chiếm 3,4% tổng dư nợ), trong đó dư nợ tái cơ cấu theo Thông Tư 02/2023/NHNN-TT đạt hơn 100 tỷ đồng.
Theo quan sát của MBS, dư nợ nhóm 2-4 vẫn đang tăng trưởng mạnh 129,8% so với cùng kỳ trong khi dư nợ nhóm 5 giảm 45,9% so cùng kỳ. Do đó, MBS cho rằng áp lực gia tăng nợ xấu vẫn sẽ còn lớn trong 2 quý tiếp theo.
Trong 9T2023, VIB trích lập hơn 3.116 tỷ đồng (+237% so cùng kỳ) và sử dụng 78,4% tổng trích lập trong kỳ nhằm xử lý nợ xấu. Đặc biệt, trong Q3/2023 chi phí trích lập đạt hơn 1.616 tỷ đồng chiếm 51,9% tổng chi phí trích lập 9T2023.
Tỷ lệ LLR tại cuối Q3/2023 của VIB đạt 41,4%, giảm mạnh so với mức 53,9% tại cuối năm 2022 và mức 54% cuối Q3/2022. Mặc dù trích lập dự phòng gia tăng mạnh nhưng việc sử dụng phần lớn trích lập dự phòng cho xử lý nợ xấu cộng với dư nợ nhóm 3 và 4 đều chưa có dấu hiệu giảm tốc (tăng lần lượt 157,4% và 174,7% so cùng kỳ) khiến LLR giảm mạnh.
MBS ước tính rằng VIB sẽ trích lập thêm 1.422 tỷ đồng trong Q4/2023 (+302,8% so cùng kỳ) đưa chi phí dự phòng cả năm 2023 lên mức 4.575 tỷ đồng (+257,5% so cùng kỳ).
MBS dự phóng VIB sẽ sử dụng 108,8% chi phí trích lập dự phòng trong Q4/2023 để xử lý nợ xấu. Từ đó, MBS dự báo NPL và nợ nhóm 2 của VIB tại cuối năm 2023 đạt lần lượt 2,9% và 5,5%. LLR tại cuối năm 2023 được duy trì ngang với cuối Q3/2023.
Điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế trong năm 2023 và 2024 lần lượt 9,5% và 9,4%
VIB: Ap luc gia tang no xau van con lon trong 2 quy tiep theo-Hinh-4
Tóm tắt dự báo KQKD 2023/2024 của VIB
 Trong bối cảnh đó, MBS khuyến nghị nắm giữ đối với VIB và điều chỉnh giảm giá mục tiêu 12 tháng xuống 20.100 đồng/cp dựa trên việc điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế trong năm 2023 và 2024 lần lượt 9,5% và 9,4%. VIB hạ dự báo tăng trưởng tín dụng 2023 và 2024 xuống lần lượt đạt 9,9% và 14,8% (dự báo gần nhất 15,2% và 19,2%).
Tăng trưởng LNST trong giai đoạn từ 2024-2027 được dự báo sẽ đạt trung bình 15,3%/năm, thấp hơn dự báo gần nhất là 20%/năm. MBS cho rằng NIM của VIB sẽ quay trở lại mức 5% trong năm 2024 (tương tự dự báo gần nhất).
ROE 9T2023 của VIB đạt 26,7%, cao nhất toàn ngành. MBS kỳ vọng VIB có thể duy trì mức ROE trên 25% trong giai đoạn 2024-2027 sau khi bị gián đoạn bởi 2023 (dự báo 24,4%).
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN