Vì sao VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu ngân hàng tư nhân?

Chứng khoán VCSC duy trì khuyến nghị MUA đối với hầu hết các ngân hàng tư nhân như TCB, VPB và MBB... VCSC tin rằng vị thế hiện tại của nền kinh tế và các ngân hàng mạnh hơn đáng kể so với 10 năm trước do.
VCSC điều chỉnh giảm giá mục tiêu cho tất cả 12 cổ phiếu ngân hàng trong phạm vi theo dõi, do 1) giảm dự báo LNST giai đoạn 2022-2026 tổng cộng 12,2% và (2) tăng các giả định về chi phí vốn chủ sở hữu, được bù đắp một phần bởi tác động tích cực của việc cập nhật giá mục tiêu của chúng tôi đến cuối năm 2023.
Dự báo thấp hơn đối với tổng LNST giai đoạn 2022-2026 chủ yếu đến từ (1) mức điều chỉnh giảm đối với dự báo NIM trung bình trong giai đoạn này từ 4,16% xuống còn 3,97% do lập giả định thận trọng cho các ngân hàng quốc doanh (SOE) thực hiện các gói hỗ trợ vào năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế có thể gặp nhiều các thách thức, cũng như tác động đến từ các giả định về tỷ lệ nợ xấu cao hơn sau đợt tăng lãi suất gần đây vào tháng 9 và tháng 10/2022, và (2) mức điều chỉnh tăng 18% của chúng tôi đối với dự báo tổng chi phí dự phòng.
Vi sao VCSC khuyen nghi mua co phieu ngan hang tu nhan?
 VCSC khuyến nghị chuyển sang ngân hàng tư nhân.
VCSC duy trì khuyến nghị MUA đối với hầu hết các ngân hàng theo dõi và TCB, VPB, MBB có tổng mức sinh lời dự phóng cao nhất so với giá mục tiêu tính vào ngày 6/12. Tuy nhiên, tỷ lệ tổng mức sinh lời dự phóng của các ngân hàng SOE bị hạn chế hơn do diễn biến giá cổ phiếu tương đối tốt tính từ đầu năm 2022 đến nay.
Thị trường lo ngại về diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản trong năm 2022 có thể dẫn đến một đợt điều chỉnh mạnh trong hệ thống ngân hàng, tương tự giai đoạn 2010-2012.
Mặc dù rất khó để dự báo diễn biến và kết quả của các cuộc điều tra của Chính phủ, VCSC tin rằng vị thế hiện tại của nền kinh tế và các ngân hàng mạnh hơn đáng kể so với 10 năm trước do: (1) tăng trưởng tín dụng và lạm phát đã được kiểm soát trong thời gian gần đây và (2) các ngân hàng có bảng cân đối kế toán lành mạnh hơn với tỷ lệ an toàn vốn và bộ đệm dự phòng tốt hơn.
VCSC tin rằng các chính sách hiện tại của Chính phủ chủ yếu tập trung vào: (1) đảm bảo hệ thống ngân hàng duy trì thanh khoản và (2) khuyến khích các công ty bất động sản cải thiện vị thế tiền mặt thông qua các chính sách như giảm giá để thúc đẩy doanh số hoặc thanh lý tài sản và đảm bảo đủ nguồn vốn.
Mặc dù vị thế tài chính của các chủ đầu tư bất động sản chưa niêm yết khó để tiếp cận, VCSC tin rằng những chính sách này có thể giúp phần nào hạn chế các khó khăn tại một số công ty mà có thể dẫn đến các vấn đề mang tính hệ thống đối với hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế.
Mức định giá của ngành ngân hàng hiện tại là hấp dẫn ở một độ lệch chuẩn thấp hơn giá trị P/B trung bình 6 năm. Ngoài ra, P/B trung bình năm 2023 theo dự báo chung của Bloomberg là 0,97 lần so với ROE năm 2023 là 18,9%.
VCSC nhận thấy giá cổ phiếu của các ngân hàng giảm mạnh trong 8 tháng qua chủ yếu đến từ mức giảm mạnh của các ngân hàng tư nhân, chủ yếu là do các vấn đề trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Tâm lý e ngại rủi ro – đặc biệt liên quan đến rủi ro bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp – cũng là 1 yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy diễn biến giá cổ phiếu trong ngành vào năm 2022.
Do đó, các ngân hàng với mức độ rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tương đối thấp đã có diễn biến tốt hơn (các ngân hàng SOE, ACB), trong khi các ngân hàng với rủi ro tương đối cao (MBB, TCB, TPB và VPB) có diễn biến kém khả quan.
"Trong ngắn hạn, trong khi tình hình thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp có thể vẫn sẽ còn nhiều biến động và biến số, xu hướng kể trên có thể sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên, dựa trên thời hạn đầu tư 1 năm, các cổ phiếu lựa chọn hàng đầu của chúng tôi là TCB, VPB, MBB và STB", theo Công ty chứng khoán VCSC.
VCSC tin rằng mức giảm giá cổ phiếu mạnh của các ngân hàng này sẽ hạ nhiệt khi quá trình giải quyết các thách thức hiện tại trên thị trường trái phiếu và bất động sản trở nên rõ ràng hơn.
Trong khi đó, STB có dư nợ cho vay đối với các chủ đầu tư bất động sản ở mức thấp (2,1% tổng dư nợ tính đến quý 2/2022) và không có rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp tính đến quý 3/2022.
Ngoài ra, STB sắp kết thúc giai đoạn tái cơ cấu, do đó VCSC kỳ vọng áp lực giảm dần từ việc thanh lý các tài sản tồn đọng sẽ giúp tăng lợi nhuận của ngân hàng này từ năm 2023 trở đi. 
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN