Vì sao khối ngoại tháo chạy khỏi thị trường Việt Nam dù cổ phiếu đã rẻ?

Từ đầu năm đến nay, khối ngoại liên tục bán ròng số lượng lớn cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đâu là nguyên nhân?
 

Khép lại tuần giao dịch 6/4 – 10/4, VN-Index có chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp trước khi giảm điểm trở lại trong phiên cuối tuần và dừng ở mức 757,94 điểm, tăng 8% so với tuần trước. HNX-Index tăng 8,5% lên 106,18 điểm.

Cuối tháng 2, Pyn Elite Fund - quỹ đầu tư tập trung vào thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô hơn 400 triệu USD vừa công bố báo cáo với tiêu đề "All In" (Tất tay).

Theo Pyn Elite Fund, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có định giá hấp dẫn ngay cả trước khi sụt giảm bởi ảnh hưởng của COVID-19. Các công ty niêm yết của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng thu nhập tốt, trong khi các chỉ số đã được điều chỉnh và sẵn sàng cho bước tiến xa hơn trong một vài năm.

Tuy vậy, khối ngoại có diễn biến trái ngược khi gia tăng bán ròng trên sàn HoSE và UPCoM dù thị trường hồi phục mạnh. Tính riêng tuần trước, khối ngoại mua vào gần 87 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 2.380 tỷ đồng trong khi bán ra gần 175 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 4.182 tỷ đồng.

Tổng khối lượng bán ròng đạt hơn 88 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng hơn 1.800 tỷ đồng, tăng gần 50% so với tuần trước.

Vi sao khoi ngoai thao chay khoi thi truong Viet Nam du co phieu da re?
Đằng sau việc khối ngoại liên tục bán ròng là gì? 

Theo đại diện của Công ty chứng khoán Yuanta, giá cổ phiếu đã rất rẻ, các khuyến nghị cũng nói vậy nhưng khối ngoại vẫn bán ròng, rõ ràng đây là một làn sóng tháo chạy khỏi cổ phiếu chứ không phải chỉ là rút vốn khỏi Việt Nam.

Làn sóng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, như Việt Nam, đã có từ đầu năm khi chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh và các quỹ đầu tư lớn cũng chọn thị trường này là nơi đầu tư chính. Nhưng sự dịch chuyển này lại gặp một biến cố ngoài dự báo là COVID-19.

Một yếu tố khác cũng tác động khiến xu hướng này càng mạnh hơn là đồng USD tăng giá quá mạnh làm giảm giá trị tiền tệ của các tài sản ở thị trường khác, khiến việc nắm giữ cổ phiếu đã thiệt lại càng thiệt hại hơn.

Với biến động tỷ giá tăng mạnh gần đây, chuyên gia từ Yuanta cũng cho rằng xu hướng bán ròng trên thị trường Việt Nam sẽ còn tiếp diễn.

Một vị chuyên gia khác cho rằng khối ngoại đang phải rút một phần vốn tại những thị trường cận biên và mới nổi để bù vào chứng khoán Mỹ và châu Âu.

Vị này cũng cho rằng hiện nay rất khó dự đoán được thời gian đợt bán ròng này kết thúc.

Nếu như các quỹ ngoại đang bán ròng, các nhà đầu tư lâu năm lại thận trọng thì thị trường vẫn tăng đột biến. Có hai yếu tố có thể tạo nên biến động mạnh mẽ kỳ lạ hiện tại.

Thứ nhất là lớp nhà đầu tư “mới” tham gia thị trường. Số lượng tài khoản mới mở tăng cao và nhiều công ty chứng khoán cũng cho biết số tài khoản tái kích hoạt (trước đây rút tiền ra giờ nạp lại) cũng tăng lên. Một phần trong số này là nhà đầu tư mới thật sự, một phần là cũ quay lại thị trường với cảm giác như mới.

Riêng trong tháng 3/2020, số tài khoản cá nhân trong nước mở mới là 31.832 tài khoản, tổ chức trong nước là 117 tài khoản, cá nhân nước ngoài là 167 tài khoản và tổ chức nước ngoài là 24 tài khoản.

Đây có thể là dòng tiền mới tham gia thị trường và có khả năng chịu đựng rủi ro cao hơn hẳn các nhà đầu tư sẵn có, khi là nguồn tiền nguyên vẹn và tươi mới, trong khi các nhà đầu tư cũ phần lớn là thua lỗ.

Yếu tố thứ hai là hoạt động mua lại cổ phiếu quỹ khá rầm rộ của các công ty niêm yết, cũng như các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ. Công ty chứng khoán VNDirect thống kê sơ bộ đến 19/3, có khoảng 2.288 tỷ đồng sẽ mua vào cổ phiếu quỹ và hơn 1.200 tỷ đồng do các cổ đông nội bộ dự kiến chi để tăng sở hữu cổ phiếu.

Đây cũng là nguồn lực bổ sung quan trọng trên thị trường, có thể cộng hưởng với số tài khoản mới mở, tạo nên sức cầu tốt ở thời điểm thị trường suy sụp. Mặt khác, sức cộng hưởng còn phải tính đến sự xoay chuyển tâm lý trong nhóm nhà đầu tư cũ khi nghĩ rằng lực mua mới nói trên có khả năng đẩy giá cổ phiếu và họ cũng quay lại mua.

Việc thị trường đã thực sự tạo đáy và bước vào sóng tăng mới hay chưa vẫn còn gây tranh cãi nhiều, nhưng thực tế là thị trường đang tăng. Đà tăng này cũng diễn ra trên bình diện toàn cầu khi các thị trường khác cũng đi lên dù mọi yếu tố từ dịch bệnh đến dự phóng kết quả kinh doanh còn rất xấu.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN