Tiền trảm hậu tấu
Trong đêm qua 03/03 (một ngày có vẻ khá đẹp để ra quyết định), Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đột ngột thông báo hạ 0.5% lãi suất cơ bản USD, về quanh 1% - 1.25%, với lý do “dịch bệnh đang ngày càng đe dọa đến hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh các rủi ro này tồn tại, để duy trì ổn định giá và tối đa hóa việc làm cho người dân, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) hôm nay quyết định hạ lãi suất tham chiếu”.
Thật ra, khả năng Fed giảm lãi suất đã gần như chắc chắn sau phát biểu của Chủ Fed là Jerome Powell vào ngày 28/2, khi ông cho rằng các điều kiện cơ bản của nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh, nhưng virus SARS-CoV-2 đang gây ra những rủi ro đối với hoạt động kinh tế. Theo đó, “Fed cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ những tiến triển và những liên quan đối với triển vọng kinh tế, đồng thời có thể sử dụng các công cụ và hành động phù hợp nhằm hỗ trợ nền kinh tế”.
Tuyên bố của ông Powell và động thái cắt giảm lãi suất Fed được đưa ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ đã có đợt điều chỉnh tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 trong tuần trước, do những lo sợ về dịch bệnh ngày càng lan rộng và Mỹ. Theo công cụ FedWatch của CME trước đó 1 ngày, xác suất Fed sẽ giảm lãi suất 0.5% trong cuộc họp vào tháng 3 đã tăng lên 100%, nhưng không ai ngờ cơ quan này lại hành động sớm đến thế.
Trong khi đó, tổng thống Mỹ Donald Trump, người luôn muốn đưa lãi suất về 0, mới đây cũng đã đăng đàn chỉ trích Fed vì chưa hạ lãi suất để đối phó với dịch bệnh, đồng thời ca ngợi mức lãi suất âm tại một số quốc gia, mà NHTW các nước Thụy Sĩ, Nhật Bản và một số nước đang thực thi. Dù vậy, quyết định mới nhất của Fed dường như vẫn chưa làm hài lòng Tổng thống Mỹ, khi ông cho rằng Fed "phải nới lỏng nhiều hơn nữa, và quan trọng nhất là về ngang bằng các quốc gia/đối thủ khác”.
Cũng cần lưu ý hồi tháng 6 năm ngoái, Chủ tịch Powell cũng đã có phát biểu tương tự, đưa ra dấu hiệu về việc sẵn sàng cắt giảm lãi suất nếu cần thiết khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ vàTrung Quốc đe dọa gây suy thoái nền kinh tế toàn cầu. Và kết quả là trong năm 2019, Fed đã có đến 3 lần hạ lãi suất nhằm hỗ trợ kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc. Trong lần cắt giảm cuối cùng vào ngày 30/10/2019, Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục nêu rõ định hướng sẽ chỉ cắt giảm lãi suất nếu như diễn biến kinh tế Hoa Kỳ trở nên xấu đi. Và như những gì đã diễn ra, Fed đang thực hiện đúng như tuyên bố của người đứng đầu cơ quan này.
Quyết định trên của Fed cũng dập tắt những quan điểm trái chiều trước đó, khi vào ngày 25/02 Phó Chủ tịch Fed là Richard Clarida còn khăng khăng tuyên bố Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, khi vẫn còn quá sớm để suy đoán liệu các tác động này có ảnh hưởng quan trọng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ hay không. Đồng quan điểm, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ Larry Kudlow cũng từng chia sẻ, ông mong đợi Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong trạng thái hoảng loạn để bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ trước các tác động của dịch virus SARS-CoV-2. Nhưng dường như Fed có vẻ đã hoảng loạn?
Cũng cần biết rằng ngay từ đầu năm nay, Ngân hàng Thụy Sỹ UBS đã sớm đưa ra dự báo Fed sẽ hạ lãi suất 3 lần trong năm 2020, khác biệt hoàn toàn với các dự báo trước đó của nhiều ngân hàng khác, vốn chỉ tin rằng Fed sẽ chỉ giảm lãi suất 1 lần trong năm nay.
Động lực cắt giảm
Bất chấp nhiều ý kiến cho rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ không thể giúp nền kinh tế thoát khỏi những khó khăn hiện tại của dịch bệnh, khi chỉ tác động kích thích nhu cầu, thì điều đó không vẫn không làm Fed chùn tay, trước những dấu hiệu nền kinh tế Hoa Kỳ yếu đi do ảnh hưởng của virus. Goldman Sachs gần đây đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế quý 1 của Mỹ từ 1.2% xuống chỉ còn 0.8%.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ không tác động gì lên nguồn cung, mà lý do chính là để hỗ trợ tâm lý cho thị trường chứng khoán, khi các chỉ số chính của Hoa Kỳ đang trải qua những ngày bi thảm nhất. Đây có lẽ cũng là mục tiêu chính trong lời kêu gọi giảm lãi suất của tổng thống Trump, khi ông luôn tin rằng thị trường chứng khoán là yếu tố phản ánh hiệu quả của nền kinh tế Mỹ và các chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ của mình. Dù vậy, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc sau động thái trên của Fed.
Ngoài ra, việc Fed giảm lãi suất có thể giúp kích thích nhu cầu trong nước, với hy vọng bù đắp được nhu cầu suy yếu từ nước ngoài, vốn đang ảnh hưởng lên hoạt động thương mại của nước này, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiệt hại nặng nề. Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế do các hoạt động kinh tế gián đoạn, nhưng nếu sức cầu nội địa vẫn duy trì, sẽ giúp giá cả tăng lên, điều này có thể giúp Fed đạt mục tiêu lạm phát 2%.
Tuy nhiên, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng dịch Corona chắc chắn sẽ lan sang Hoa Kỳ, nhưng chưa ước tính ở mức độ nào. Tính cho đến cuối ngày 03/03, Mỹ đã ghi nhận tổng số ca chết vì virus tại Mỹ lên thành 9 người, trong tổng số ca nhiễm là 118 người, trong đó bang New York - thủ phủ tài chính của Mỹ, dược dự báo sẽ có nhiều người nhiễm bệnh.
Nếu sự xâm nhập vào Hoa Kỳ lên mức đáng báo động, người tiêu dùng nước này cũng sẽ phải thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, bất kỳ sự thoái lui đáng kể nào trên thị trường chứng khoán, điều thực tế đã xảy ra trong những ngày qua, cũng sẽ dẫn đến hiệu ứng tài sản đảo ngược, tức người tiêu dùng cảm thấy nghèo hơn và chi tiêu ít đi.
Dù Fed có thể không được trang bị đầy đủ để đối phó với cú sốc cung toàn cầu, nhưng còn có một lý do khác để cơ quan này quyết định giảm lãi suất, đó là đường cong lợi suất đã đảo ngược trở lại. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã rớt về mức thấp nhất mọi thời đại tại 1.14%, thấp hơn mức lãi suất cơ bản USD hiện nay ở 1.5 – 1.7% và cũng thấp hơn lợi suất tín phiếu kho bạc kỳ hạn 3 tháng ở quanh 1.5%.
Cần biết rằng đường cong lợi suất của Mỹ đã đảo ngược từ tháng 5 đến tháng 10 năm ngoái, trước khi điều chỉnh trở lại về mức bình thường nhờ vào 3 lần cắt giảm lãi suất của Fed trong năm 2019. Do đó, việc Fed cắt giảm lãi suất lần này cũng được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn mở rộng mức chênh lệch trong đường cong lợi suất.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, các ngân hàng trung ương (NHTW) khác đã sớm hành động, từ Trung Quốc, Nga, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Singapore, Thái Lan,…để hỗ trợ nền kinh tế. Là NHTW lớn nhất thế giới, có lẽ Fed không muốn thể hiện hình ảnh chậm trễ và thiếu quyết đoán trong hành động của mình, như lời của tổng thống Trump kêu gọi, đã đến lúc Fed cần hành động như 1 người dẫn đầu và hạ lãi suất vì tầm ảnh hưởng rất lớn của mình.
Việc Fed giảm lãi suất có thể giúp kích thích nhu cầu trong nước, với hy vọng bù đắp được nhu cầu suy yếu từ nước ngoài, vốn đang ảnh hưởng lên hoạt động thương mại của nước này, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiệt hại nặng nề. Trong bối cảnh nguồn cung hạn chế do các hoạt động kinh tế gián đoạn, nhưng nếu sức cầu nội địa vẫn duy trì, sẽ giúp giá cả tăng lên, điều này có thể giúp Fed đạt mục tiêu lạm phát 2%.
|