Vì sao dòng tiền của khối ngoại tích cực mua ròng cổ phiếu tuần qua?

Chớp thời cơ mua chứng khoán Việt Nam với giá rẻ, khối ngoại đã đổ hàng nghìn tỷ đồng vào thị trường qua các quỹ ETF. 

Vi sao dong tien cua khoi ngoai tich cuc mua rong co phieu tuan qua?

Ảnh shutterstock

VN-Index vừa ghi nhận tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp và là tuần có mức tăng % mạnh nhất kể từ 5/6/2009. Cùng với đó, dòng tiền tham gia thị trường đã có sự cải thiện rõ rệt với mức thanh khoản khớp lệnh trung bình tại HoSE đạt trên 1 tỷ cổ phiếu mỗi phiên, tương ứng với giá trị trên 15.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh diễn biến khởi sắc đó, khối ngoại đã tích cực giải ngân hơn 9.300 tỷ đồng vào thị trường trong tuần qua với cả 5 phiên mua ròng.

Cụ thể, trên sàn HoSE khối ngoại đã mua ròng 314,08 triệu đơn vị, với giá trị mua ròng lên tới 9.181,88 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần cả về lượng và giá trị so với tuần trước đó (từ 21-25/11), HPG và VHM là hai mã được khối này ưa thích nhất với giá trị giải ngân lần lượt 1.436 tỷ đồng và 1.308 tỷ đồng. Còn trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng trong cả 5 phiên giao dịch, với khối lượng tổng cộng hơn 5,92 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 245,27 tỷ đồng, giảm 28,87% về lượng và 10,3% về giá trị so với tuần trước.

Tính từ đầu tháng 11 đến nay, tổng giá trị mua ròng trên toàn thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 19.000 tỷ đồng. Con số này chỉ thấp hơn đôi chút so với mức mua ròng hơn 22.800 tỷ đồng hồi tháng 5/2018. Tính riêng tháng 11, VNM ETF hút ròng 34 triệu USD, còn FTSE Vietnam ETF hút ròng lần lượt 16 triệu USD. Những quỹ ETF này tập trung chủ yếu vào những cổ phiếu bluechip, đầu ngành, như rổ VNDimond, VN30.

Đặc biệt tại Fubon FTSE Vietnam ETF, giá trị dòng tiền vào đã lên đến 133 triệu USD (~3.300 tỷ đồng) trong tháng 11. Thời gian tới con số này sẽ còn tăng lên khi Fubon đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 4 với số vốn khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây sẽ là một nguồn vốn ngoại quan trọng hỗ trợ thị trường đầu tháng 12. 

Tại thời điểm bắt đầu rót vốn, ông Yang Yining – nhà quản lý quỹ Fubon FTSE nhìn nhận sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối tháng 9 chủ yếu do áp lực bán giải chấp tại nhóm cổ phiếu bất động sản và Ngân hàng Trung ương Việt Nam tăng lãi suất hai lần trong vòng một tháng. Sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu, thị trường đã tạo cơ hội cho một sự phục hồi từ đáy trong ngắn hạn.

"Đây quả thực là thời điểm tốt để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam", đại diện quỹ nhấn mạnh. 

Tương tự, nhà sáng lập quỹ PYN Elite, ông Petri Deryng cũng chỉ ra rằng một trong những lý do khiến thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu là những sai phạm trên thị trường chứng khoán như việc thao túng giá cổ phiếu, thương vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Điều này tác động đến tâm lý của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường.

Tuy nhiên về tổng quan khi so sánh các thông tin về thị trường tài chính, kinh tế vĩ mô với những quốc gia khác trong khu vực Asean, Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn dựa trên nhiều khía cạnh. Do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đang xem thời điểm hiện tại là cơ hội tuyệt vời để rót tiền nhiều hơn nữa vào TTCK Việt Nam, nhất là khi nhìn vào triển vọng kinh tế 5 năm tới.

"Hiện nay, nhiều quỹ thị trường mới nổi chưa thể tiếp cận vào Việt Nam khi chúng ta mới chỉ là thị trường cận biên (Frontier market). Một khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI sẽ trở thành bước tiến lớn. Đồng thời, việc nâng hạng sẽ giúp thị trường chứng khoán nước ta mở rộng quy mô gấp 5 thậm chí gấp 10 lần so với hiện tại. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, nếu như được nâng hạng sẽ có giá IPO rất nhiều", ông Petri Deryng chia sẻ tại Chương trình Bí mật đồng tiền ngày 2/12.

Ngoài ra, tại Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết lần thứ 15- năm 2022, ông Dominic Scriven, Chủ tịch HĐQT Dragon Capital Group cho rằng thị trường đang bắt đầu phản ánh sự hạ nhiệt của nhiều thách thức, như tỷ giá VND đang ổn định lại so với đồng USD, sự hoang mang đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đang bình ổn lại cùng thanh khoản trên thị trường chứng khoán chạm ngưỡng 1 tỷ USD/phiên.

"Nhà đầu tư lừng danh Warren Buffett có phương pháp đầu tư dựa trên giá trị dài hạn, nghĩa là mua cổ phiếu với giá thấp hơn giá trị nội tại. Thị trường chứng khoán Việt Nam sau đà giảm mạnh, giá trị vốn hoá chỉ còn bằng 50% GDP, tương ứng 200 tỷ USD. Vậy những người theo quan điểm của Warren Buffett xem đây là cơ hội rất đáng để xem xét", ông Dominic nói.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đang nỗ lực cùng HoSE để đưa Việt Nam lên thị trường mới nổi. Tổng giá trị AUM vào các thị trường mới nổi là 25.000 tỷ USD. Vậy nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng vào thị trường mới nổi (EM) thì sẽ tiếp cận được dòng vốn này, dù rằng tỷ lệ không lớn, nhưng chỉ cần 0,4-0,5% cũng có thể thu hút được 100 tỷ USD vào thị trường. Hiện nay dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào khoảng 40 tỷ USD.

"Điều này mở ra cơ hội tiếp cận vốn nước ngoài cho các doanh nghiệp Việt Nam, và khi họ muốn tìm cơ hội đầu tư thì chắc chắn họ chỉ muốn gặp các doanh nghiệp mạnh, có quản trị công ty tốt", ông Dominic nói.

Nhật Huỳnh/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN