Cổ phiếu HAP vẫn trên đà tìm đỉnh
Cổ phiếu HAP vừa có chuỗi 13 phiên tăng trần liên tiếp, đưa thị giá từ 3.260 đồng/cp trong phiên 6/8 lên 67.740 đồng/cp trong phiên giao dịch 25/8.
Đáng nói, thị giá HAP tăng mạnh trong bối cảnh Công ty vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm kém tích cực. Cụ thể, doanh thu đạt 157,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 9 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và 46% so với cùng kỳ năm trước.
|
HAP vẫn trên đà tăng chưa đạt đỉnh. |
Tuy vậy, thông tin hỗ trợ có thể đến từ việc HĐQT HAP thông qua chủ trương xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư phát triển, dự kiến trình ĐHĐCĐ bất thường vào cuối năm 2020, gồm Dự án dây chuyền sản xuất giấy tissue phục vụ xuất khẩu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Việt - Hàn, quy mô 800 giường, có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng tại TP. Hải Phòng;
Trung tâm thương mại Quốc tế quy mô 22 tầng nổi, 2 tầng hầm, tiêu chuẩn xây dựng 5 sao trên khu đất của CTCP Thương mại Dịch vụ Hải Phòng (doanh nghiệp do HAP sở hữu 99,84% vốn); toà nhà văn phòng cho thuê 18 tầng thực hiện trên khu đất 10.000 m2 và một số dự án bất động sản khu công nghiệp.
Trước việc cổ phiếu tăng nóng, Hapaco đã có văn bản giải trình gửi HoSE. Theo đó, Công ty cho biết giá cổ phiếu HAP tăng trần 10 phiên liên tiếp do việc cung cầu của thị trường, quyết định mua bán cổ phiếu là do các nhà đầu tư quyết định nằm ngoài tầm kiểm soát của Hapaco. Công ty không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường.
HAP là 1 trong 3 mã cổ phiếu niêm yết đầu tiên trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào ngày 20/7/2000 với vốn điều lệ ban đầu ở mức 11 tỷ đồng, hiện tại vốn điều lệ đã tăng lên 556 tỷ đồng.
Trong 20 năm qua, cổ phiếu HAP gần như đi ngang quanh mức 3.000 đồng/cp. Tuy nhiên giá cổ phiếu này tăng hơn 2 lần lên hơn 7.000 đồng/cp. Thanh khoản cổ phiếu cũng nhảy vọt từ khoảng 70.000 cổ phiếu lên hơn 6 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu PTL, DAT tạo đỉnh rồi đổ đèo...
Cổ phiếu PTL của Petroland vừa tạo nên ấn tượng với các nhà đầu tư khi có 4 phiên tăng trần liên tiếp sau đó quay đầu giảm sàn. Hiện PTL đang giao dịch quanh mức 6.320 đồng/cp. Nguyên nhân PTL tăng trần cũng có thể đến từ việc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (OIL) quyết đinh thoái toàn bộ 9% vốn tại Petroland.
|
PTL vừa tạo sóng vài phiên gần đây. |
Tình hình quản trị của Petroland những năm gần đây tương đối phức tạp, khi liên tục xảy ra xung đột lợi ích giữa các cổ đông lớn. Đáng chú ý, hồi tháng 10/2019, cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Bùi Minh Chính, cựu Chủ tịch Petroland, do liên quan tới vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại công ty này.
Sau những thay đổi về mặt cổ đông và nhân sự, ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Petroland lại tiếp tục không có sự đồng thuận khi hầu hết các nội dung chính như kế hoạch năm 2020, phương án bổ sung ngành nghề, báo cáo về việc đề xuất chuyển chế độ làm việc đối với thành viên HĐQT... đều không được thông qua.
Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của Petroland cũng rất chơi vơi khi liên tục thua lỗ những năm gần đây, đặc biệt là hai năm 2017 và 2018. Đến năm 2019, Petroland ghi nhận khoản lãi ròng 217 triệu đồng, khá khiêm tốn so với số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Petroland tiếp tục gặp khó, khi tồn tại nhiều vướng mắc trong việc triển khai các dự án mới. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng tác động mạnh tới tới nhiều hoạt động kinh doanh của Công ty.
Một cổ phiếu khác cũng biến động tăng trần nhiều phiên sau đó lao dốc đó là DAT của CTCP Đầu tư du lịch và phát triển thủy sản (Trisedco).
Với diễn biến trên thị trường, cổ phiếu DAT xác lập kỷ lục tăng trần 39 phiên liên tiếp, giá cổ phiếu DAT xác lập mức cao nhất ở mức 92.100 đồng/cp, tương ứng mức tăng khoảng 13 lần chỉ sau gần 2 tháng.
Đáng chú ý, sau chuỗi 39 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu DAT đã lại giảm sốc với 8 phiên giảm sàn trong tổng số 9 phiên giao dịch tiếp sau đó. Hiện DAT giảm về xấp xỉ 50.000 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, giá này vẫn còn gấp hơn 7 lần so với thời điểm bắt đầu tăng giá.
|
DAT tăng liên tiếp 39 phiên. |
DAT tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Du lịch An Giang, được thành lập ngày 20/6/2007. Sau gần một năm hoạt động, Công ty nhận thấy mô hình CTCP sẽ thích hợp cho việc thu hút vốn đầu tư, huy động vốn cũng như tạo được điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, ngày 15/3/2008 CTCP Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản đã được thành lập với vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 53 tỷ đồng. Trải qua 6 đợt tăng vốn, hiện vốn điều lệ của DAT ghi nhận hơn 460 tỷ đồng, gấp 9 lần số vốn ban đầu. Ngành nghề kinh doanh chính của DAT là sản xuất bột cá và mỡ cá được chế biến từ phụ phẩm cá (như đầu, xương, thịt vụn, nội tạng của cá...).
Được biết, DAT là Công ty con của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia - IDI và có liên quan đến CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM). Hiện IDI (ASM nắm giữ 51,23% vốn) đang là cổ đông lớn nhất của DAT với tỷ lệ nắm giữ 79,25% vốn (hơn 36 triệu cp) và ASM nắm giữ trực tiếp 3,94% vốn tại DAT nhưng tỷ lệ lợi ích là 43,95% và tỷ lệ biểu quyết là 82,67%.
Tình hình kinh doanh của DAT kể từ khi niêm yết (5/11/2015) đến năm 2019 nhìn chung khá ổn định với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm.
Trong năm 2019, DAT ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.493 tỷ đồng và 62 tỷ đồng lãi sau thuế, gấp 3 lần so với con số năm 2015 và ghi nhận ở mức cao nhất kể từ khi niêm yết. Tuy nhiên, biên lãi gộp của DAT lại sụt giảm, chỉ đạt 5% trong khi các năm trước đều ghi nhận ở mức trên 6%.
Kết quả kinh doanh của DAT trong 6 tháng đầu năm nay cũng không có gì đột biến để hỗ trợ giá cổ phiếu. 6 tháng đầu năm 2020, DAT đạt 955 tỷ đồng doanh thu thuần, 18 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 8% và 32% so với cùng kỳ năm 2019.
Hồi đầu tháng 7, DAT đã giải trình việc cổ phiếu tăng trần trên 10 phiên do cung cầu thị trường, giá cổ phiếu là do các nhà đầu tư quyết định, nằm ngoài kiểm soát của Công ty. Phía Công ty cũng khẳng định không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường.