Những ngày gần đây, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán xôn xao trước thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ huỷ niêm yết bắt buộc với cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) và cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã chứng khoán HNG) sau khi nhận được báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán riêng lẻ và hợp nhất năm 2023 của các công ty này.
Cụ thể, Hòa Bình lỗ luỹ kế tính đến cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp (2.741 tỷ đồng), còn HAGL Agrico thua lỗ liên tiếp trong 3 năm qua, năm 2021 lỗ 1.119 tỷ đồng, năm 2022 lỗ 3.576 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 1.098 tỷ đồng.
“Án” huỷ niêm yết bắt buộc đối với HBC và HNG khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng, tháo chạy khỏi 2 cổ phiếu này. Trong đó, HBC đã ghi nhận 5/7 phiên giảm sàn kể từ khi thông tin trên được công bố và kết thúc phiên 5/8 ở mức 5.130 đồng/CP, còn HNG cũng đã giảm sâu, lùi về vùng 3.650 đồng/CP.
Trong bối cảnh trên, cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lại nhận được nhiều chú ý khi hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đáng lẽ sẽ nhận quyết định hủy niêm yết trên sàn HOSE bởi 2023 đã là năm kinh doanh thua lỗ thứ tư liên tiếp của doanh nghiệp này. Song hiện tại cổ phiếu HVN chỉ bị vào diện hạn chế giao dịch tức là chỉ được giao dịch buổi chiều các phiên.
Trước đó vào đầu năm 2023, HOSE đã từng có văn bản lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN. Theo HOSE, báo cáo hợp nhất quý IV/2022 của HVN ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lũy kế năm là âm 10.452,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 là âm 34.199 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 10.199,2 tỷ đồng.
Căn cứ quy định Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 120 tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019 như sau "Cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
"Khả năng cổ phiếu HVN bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm", HOSE lưu ý.
Năm 2023, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của Vietnam Airlines là công ty TNHH KPMG cũng liên tục đưa ra những lưu ý về doanh nghiệp này. Theo BCTC hợp nhất được kiểm toán năm 2023, KPMG cho biết khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng hồi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng, nhà cung cấp, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu cùng sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ.
Những điều kiện này, cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines và các công ty con.
Đến tháng 1/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Theo dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật Chứng khoán vừa được công bố, Điều 120 trong Nghị định quy định về cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc sẽ được bổ sung thêm Khoản 7 với nội dung: "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định".
Nói về nguy cơ hủy niêm yết, lãnh đạo Vietnam Airlines trong các cuộc gặp gỡ báo chí cho rằng phía công ty vẫn nỗ lực hết sức đưa ra các giải pháp cũng như đề xuất hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý.
"Theo đó, việc huỷ niêm yết chỉ thực hiện với các cổ phiếu xấu nhằm thanh lọc thị trường chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư. Song, Vietnam Airlines là trường hợp đặc biệt, việc lỗ, âm vốn chủ sở hữu “do khách quan”, cổ phiếu của hãng tốt, đang có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển; giá trị vốn hoá và tài sản lớn...", đại diện Vietnam Airlines nói.
Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Vietnam Airlines, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng - Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, khẳng định tình huống bị âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp và có nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu của Vietnam Airlines là rất đặc biệt.
Trước dịch COVID-19, Vietnam Airlines là một trong các doanh nghiệp đứng đầu top doanh nghiệp có vốn hóa lớn, khả năng sinh lời và minh bạch tài chính trên sàn HOSE.
"Tình huống Vietnam Airlines bị âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế có yếu tố ảnh hưởng khách quan là đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu và đặc biệt là hàng không và các hãng bay đều trong tình cảnh này. Tôi tin tưởng rằng cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu đánh giá các yếu tố này một cách khách quan, cẩn trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn duy trì trên sàn chứng khoán", Kế toán trưởng Vietnam Airlines nói.
Ông Hiền cho biết Vietnam Airlines đang tiến hành xây dựng triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu trong đó giải pháp tự thân là quan trọng nhất. Hãng phải tiến tới có lãi, khả năng thanh toán từ dòng tiền kinh doanh, có giải pháp đồng bộ tái cơ cấu để khắc phục hậu quả của COVID-19.
Dù trong 2 quý đầu năm 2024, doanh nghiệp này ghi nhận kết quả tích cực nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc và khoản thu nhập đột biến song bức tranh tài chính của Vietnam Airlines đang có nhiều vấn đề. Tại thời điểm 30/6/2024, hãng bay còn lỗ lũy kế 35.811 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 11.533 tỷ đồng.
Trao đổi với Nhadautu.vn, các chuyên gia chứng khoán đánh giá điều khác biệt giữa trường hợp của HVN với HBC, HNG nằm ở nguy cơ phá sản.
Theo đó, về lý thuyết, trong trường hợp doanh nghiệp phá sản thì cổ đông sẽ là người hưởng lợi cuối cùng sau khi doanh nghiệp bị phát mãi tài sản. Với Vietnam Airlines – doanh nghiệp có vốn Nhà nước, câu chuyện sẽ khác biệt đôi chút. Điều này tương tự với một số hãng hàng không quốc gia của Thái Lan và Malaysia. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khi những hãng bay này nộp đơn, Chính phủ các nước này đã đứng ra bảo lãnh, đưa ra các cam kết và “bơm tiền” để duy trì hoạt động cho các đơn vị này.
“Một số phương án đưa ra là nên để cổ phiếu HVN hủy niêm yết theo quy định do đã lỗ quá 3 năm liên tiếp, song tôi nhìn nhận việc xuống đăng ký giao dịch trên UPCOM có thể gây áp lực với cổ phiếu HVN khi một số quỹ, nhà đầu tư nước ngoài phải bán ra cổ phiếu do quy định chỉ được đầu tư ở HOSE”, vị chuyên gia này nói.