Kết phiên giao dịch 16/7, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1,36 điểm (+0,11%) lên mốc 1.281,18 điểm. Nhóm kéo chỉ số tập hợp các cổ phiếu ngân hàng và một số cổ phiếu công nghệ, bất động sản khu công nghiệp.
Ngược lại, phiên giảm hôm qua khiến cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines dẫn đầu nhóm rung lắc VN-Index.
HVN có thời điểm tăng giá lên 33.800 đồng/cp nhưng sau đó đột ngột giảm kịch biên độ sàn HOSE còn 31.250 đồng/cp. Khớp lệnh toàn phiên đạt 10,6 triệu cổ phiếu, trắng bên mua; trong đó lượng cổ phiếu khớp lệnh giá sàn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 3,3 triệu đơn vị. Thanh khoản đột biến của cổ phiếu HVN cao gấp 3 - 5 lần thông thường.
Kể từ đầu tháng 7, cổ phiếu HVN liên tục có động thái điều chỉnh. Sau phiên 16/7, thị giá HVN trở về mốc 31.250 đồng/cp, thấp nhất kể từ giữa tháng 6.
Hiện tại cổ phiếu HVN bị vào diện hạn chế giao dịch từ 12/7 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, tức là chỉ được giao dịch buổi chiều các phiên.
Trong vòng 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu HVN đã tăng một mạch từ vùng 13.000 đồng/cp và có lúc vượt 36.000 đồng/cp với khối lượng tích luỹ lớn. Vì vậy, áp lực bán ra cũng không có gì là bất ngờ.
|
Diễn biến giá cổ phiếu HVN. |
Cổ phiếu của hãng hàng không quốc gia Việt Nam giảm sàn bất chấp thời gian gân đây vẫn có những thông tin tích cực được ra.
Trong 6 tháng đầu năm Vietnam Airlines đã vận chuyển gần 11,3 triệu khách, tăng xấp xỉ 11% so với cùng kỳ năm trước. Vận chuyển hàng hóa đạt gần 141.000 tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 27% so với kế hoạch 2024.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Đặng Ngọc Hòa thông tin, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất Vietnam Airlines đạt mức cao nhờ sự kiên quyết đàm phán với các chủ nợ quốc tế và yếu tố thị trường thuận lợi. Hãng bay này cho biết, trong bối cảnh số tàu bay thiếu hụt khoảng 14% so với năm 2019, hãng đã triển khai nhiều chương trình, trong đó có cả bay đêm để giảm giá vé cho hành khách.
Vào đầu tháng 7 vừa qua, một tờ báo nước ngoài cho biết "lợi nhuận bất ngờ đã đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không có cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất thế giới, bất chấp nguy cơ phá sản, công ty đã phục hồi sau đại dịch, lấy lại đà tăng trưởng".
Dẫu vậy, hãng bay quốc gia cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Một trong số đó là biến động tỷ giá ảnh hưởng bất lợi đến dòng tiền của tổng công y.
Đặc biệt việc tạm dừng khai thác 12 tàu bay Airbus A321 để đưa vào kiểm tra động cơ cùng với việc Pacific Airlines trả các tàu bay thuê để xóa nợ và thực hiện tái cấu trúc đội bay, mạng đường bay đã tạo nên sự thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và kết quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty.
Hiện tại, bức tranh tài chính của Vietnam Airlines đang có nhiều vấn đề. Tại thời điểm 31/3, hãng bay còn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 12.556 tỷ đồng. Điều này khiến cổ phiếu HVN nằm vào diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) của HOSE và đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc.
Tại cuộc họp ĐHCĐ diễn ra cuối tháng 6/2024, đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết tình hình dòng tiền năm 2024 dự kiến rất khó khăn do nhiều khoản nợ tái cơ cấu đến hạn thanh toán trong năm, đặc biệt là từ tháng 7/2024 khi các khoản vay tái cấp vốn bắt đầu đến hạn hoàn trả.
Công ty kỳ vọng đến năm 2025 có thể xóa bỏ được tình trạng âm vốn chủ sở hữu, dần xóa lỗ lũy kế và đưa bức tranh tài chính lành mạnh như trước dịch COVID-19.
Không chỉ vậy, Vietnam Airlines hay các doanh nghiệp vận tải hàng không khác vẫn còn có thể đối diện với tình trạng thiếu hụt máy bay đến hết năm 2025. Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines, việc thiếu hụt diễn ra khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và một nhà sản xuất máy bay lớn là Boeing bị kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, các máy bay đang sử dụng động cơ của Prad Whitney bị triệu hồi để kiểm tra.