Với triển vọng ngành đầy tươi sáng, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp sớm trở thành một hiện tượng độc đáo, hấp dẫn có khả năng thu hút dòng tiền thông minh trên thị trường.
Cũng nhờ đó mà giá cổ phiếu ngành này đã bứt phá mạnh mẽ kể từ sau dịch COVID-19 tại Việt Nam tạm lắng xuống.
Một số cổ phiếu trụ trong nhóm này có PHR, NTC, SNZ, ITA, BCM,… So với mức tăng của VN-Index kể từ cuối tháng 3 thì các cổ phiếu trong nhóm bất động sản khu công nghiệp có mức tăng vượt trội.
|
Cổ phiếu bất động sản công nghiệp hồi phục nhanh hơn VN-Index. |
Nếu PHR ghi nhận mức tăng gần 40% từ cuối tháng 3 lên mức giá 49.000 đồng/cp, cổ phiếu NTC cũng ghi nhận tăng 46% lên 198.000 đồng/cp, cổ phiếu BCM tăng đến 56% lên 25.800 đồng/cp hay cổ phiếu SNZ cũng tăng đến 75% lên 27.000 đồng/cp,…
|
Nguồn: VietstockFinance. |
Tăng trưởng nhờ COVID-19?
Trong một báo cáo cập nhật về ngành của Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra nhận định, bất động sản khu công nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Các công ty phát triển khu công nghiệp vẫn triển vọng do nhu cầu đất công nghiệp tăng mạnh.
Theo VNDirect, sự bùng phát của dịch COVID-19 đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Ngoài ra, thương chiến Mỹ - Trung có nhiều biến chuyển khả quan trong giai đoạn nửa cuối năm 2019, khiến dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam chậm lại và làm chậm xu hướng chuyển dịch nhà máy khỏi Trung Quốc.
Nhưng sự bùng phát của dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc tái khởi động.
Công ty chứng khoán này cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc và lực lượng lao động chi phí thấp.
VNDirect đánh giá Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Hải Dương sẽ là những điểm nóng công nghiệp mới. Các công ty phát triển khu công nghiệp vẫn triển vọng do nhu cầu đất công nghiệp tăng mạnh. Tuy nhiên, mỗi công ty có đặc điểm khác nhau với từng thách thức và cơ hội riêng biệt.
|
COVID-19 tạo cơ hội cho bất động sản công nghiệp. |
Còn Công ty Chứng khoán Đại Nam cho biết, trong những năm trở lại đây, Việt Nam là một trong ít nước được hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng chuyển dịch sản xuất trên thế giới. Bằng chứng rõ nhất là vốn FDI liên tục tăng trưởng. Cơ cấu vốn FDI vào Việt Nam vẫn tập trung ở lĩnh vực sản xuất, đòi hỏi diện tích xây dựng cơ sở vật chất lớn, đồng bộ.
Trong xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, bất động sản khu công nghiệp là bất động sản hưởng lợi trước tiên, bởi nhu cầu xây dựng nhà máy tăng. Hiện nay, Việt Nam cũng đã chủ động đón dòng vốn này.
Hỗ trợ từ hoạt động kinh doanh lạc quan
Ngoài những yếu tố vĩ mô hỗ trợ thì tình hình kinh doanh khởi sắc cũng khiến cho nhà đầu tư nhập cuộc vào nhóm cổ phiếu này.
Trong quý 1/2020, Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC) – công ty phát triển bất động sản khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận lãi sau thuế gấp 3 lần cùng kỳ lên gần 54 tỷ đồng.
Riêng doanh thu từ hoạt động cho thuê đất khu công nghiệp gấp 3,5 lần đạt 103 tỷ đồng.
Long Hậu (HoSE: LHG) với doanh thu quý 1 tăng 20% lên hơn 206 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 63 tỷ đồng, tăng 15% so với quý 1 năm ngoái. Mảng phát triển cơ sở hạ tầng và cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận gộp lớn nhất cho Long Hậu trong kỳ này.
Tại Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR), do được nhận tiền bồi thường 156 tỷ đồng liên quan hoạt động chuyển giao khu công nghiệp nên Công ty có lãi gấp đôi so cùng kỳ, đạt 206 tỷ đồng mặc dù doanh thu giảm 24%.
Theo VNDirect, doanh thu từ việc chuyển nhượng đất của Phước Hòa dự kiến vẫn tiếp tục tăng trong năm 2020 với việc chuyển giao 691 ha đất cho VSIP để phát triển Khu công nghiệp VSIP3 và 346 ha cho công ty liên kết là Khu công nghiệp Nam Tân Uyên để xây dựng Khu công nghiệp Tam Tân Uyên 3.
Bên cạnh đó, Phước Hòa cũng lên kế hoạch chuyển dịch từ sản xuất cao su sang phát triển KCN bằng chuyển đổi diện tích đất lên đến 4.000 ha tại Bình Dương đến năm 2025, đồng thời tiếp tục mở rộng Khu công nghiệp Tân Bình với diện tích mở rộng 1.056 ha.
Nhờ cổ tức của các khoản đầu tư bên ngoài và lãi tiền gửi Nam Tân Uyên (HoSE: NTC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 22%, đạt 85 tỷ đồng trong quý 1/2020.
Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HoSE: D2D) cũng chứng kiến doanh thu thuần trong ba tháng đầu năm 2020 đạt gần 81 tỷ đồng, tăng 32%, chủ yếu đóng góp từ Khu dân cư Lộc An. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 24% lên 49 tỷ đồng.
Hay như Tân tạo (HoSE: ITA) cũng gây bất ngờ khi báo lãi 25 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020, gấp 4 lần lợi nhuận đạt được của cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất theo quý Tân Tạo đạt được từ năm 2011 tới nay nhờ doanh thu một lần cho toàn bộ thời gian cho thuê lại đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Tân Tạo và Khu công nghiệp Tân Đức.