Vì Covid-19, ngành ngân hàng tại châu Á nguy cơ mất hàng tỷ USD

Covid-19 đã khiến cho nền kinh tế Trung Quốc phần nào bị tê liệt, kéo theo đó là sức ảnh hưởng rộng lớn đến hàng loạt quốc gia châu Á khác.

HSBC Holdings cũng như nhiều “đối thủ” khác tại châu Á đang phải đối mặt với nguy cơ doanh thu sụt giảm đến 2 tỷ USD. Con số này còn lớn hơn khi các ngân hàng này được yêu cầu phải tung ra các khoản vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp cũng như người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề lên các nền kinh tế. Những thiệt hại dự tính có thể gấp đôi nếu như dịch bệnh không được kiểm soát trong tháng 3.

HSBC, đang có kế hoạch cơ cấu lại nguồn vốn phân bổ cho khu vực châu Á, nguy cơ đối mặt với các khoản nợ xấu lên đến 600 triệu USD do các khách hàng của ngân hàng này đã buộc phải đóng cửa sản xuất do dịch bệnh, bên cạnh đó là lực cầu của thị trường đang giảm sút nghiêm trọng.

DBS Group Holdings của Singapore, ngân hàng sở hữu khối tài sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á, ước tính doanh thu sẽ giảm khoảng 100 triệu USD, trong khi S&P Global Ratings cho biết virus Covid-19 có thể khiến các khoản nợ với giá trị khoảng 700 tỷ USD trở thành nợ xấu. Dịch bệnh cũng sẽ làm tỷ lệ các khoản cho vay không sinh lời tại các ngân hàng Trung Quốc tăng gấp 3 lần so với trước đây.

Các chuyên gia phân tích được khảo sát bởi Nikkei Asian Review cho biết doanh thu của một trong số những ngân hàng lớn hàng đầu tại Trung Quốc có thể sụt giảm 300 triệu USD, nguyên nhân là tốc độ tăng trưởng các khoản vay giảm, bên cạnh đó là thu nhập từ việc bán các sản phẩm quản lý tài sản, bảo hiểm, hoạt động kinh doanh và phân bổ vốn cũng không mấy khả quan.

Nếu như một tập hợp đầy đủ các ngân hàng lớn nhất, trong đó bao gồm cả những ngân hàng nước ngoài nằm trong khu vực châu Á (ngoại trừ Nhật Bản), thì con số thiệt hại có thể tăng lên gấp 3 lần, các chuyên gia cho biết.

Vi Covid-19, nganh ngan hang tai chau A nguy co mat hang ty USD

Tòa nhà ngân hàng trung ương Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Các ngân hàng đang phải đối mặt với những ảnh hưởng lan rộng từ thực trạng nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa nhà máy và tạm ngừng hoạt động sản xuất. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng chịu chung số phận “bi đát”. Đó chính là nguyên nhân tốc độ gia tăng các khoản vay tại các ngân hàng được dự đoán sụt giảm trong hai quý đầu của năm 2020 và tỷ lệ không thanh toán nợ đúng hạn cũng sẽ tăng vọt. Dù các ngân hàng đã chuẩn bị đầy đủ vốn để đối phó với bất kỳ cú sốc nào trên thị trường, các chuyên gia phân tích cho biết những nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế có thể sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu xóa bỏ khoản nợ xấu lên đến 1.500 tỷ USD tại Trung Quốc.

Covid-19 đã khiến cho nền kinh tế Trung Quốc phần nào bị tê liệt, kéo theo đó là sức ảnh hưởng rộng lớn đến hàng loạt quốc gia châu Á khác. Các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể sẽ chỉ đạt 3% trong quý I, theo trung bình các con số dự báo từ các chuyên gia kinh tế, trong khi đó chỉ số này trong quý IV của năm 2019 là 6%. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ phục hồi tốc độ tăng trưởng trong quý II.

“Ở thời điểm hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng vạn sự khởi đầu nan”, theo một nhà quản lý quỹ tại Hong Kong, người sở hữu cổ phiếu của HSBC, Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc (BOC).

“Nếu như virus Covid-19 được kiểm soát trong tháng 3, nửa cuối năm nay sẽ là khoảng thời gian dễ dàng hơn đối với các ngân hàng. Nhưng nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài, tình hình sẽ là rất xấu. Chúng tôi đang lên kế hoạch bảo vệ danh mục đầu tư của mình”.

Trong khi các ngân hàng Trung Quốc được dự đoán chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi dịch bệnh nổ ra, các ngân hàng khác trong khu vực và các ngân hàng nước ngoài cũng sẽ phải đối mặt với việc giảm lãi suất do các khách hàng không còn quá mặn mà với các khoản vay, hình thức bảo hiểm và quản lý đầu tư. Họ cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng không thể trả nợ đúng hạn từ các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như bán lẻ, du lịch, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 2.800 người đã tử vong do Covid-19, trong khi đó, số ca nhiễm cũng vượt qua con số 80.000. Đã xuất hiện những nghi ngại rằng chính phủ các nước sẽ không thể ngăn cản dịch bệnh này trở thành đại dịch toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn trên thế giới cuối tuần qua nhấn mạnh những rủi ro đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu liên quan đến tình hình bất ổn do dịch bệnh gây ra. Và họ cũng sẵn sàng tung ra các giải pháp hỗ trợ.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên hành động. Các khoản nợ trả không đúng hạn liên quan trực tiếp đến dịch bệnh Covid-19 sẽ không được liệt vào danh sách nợ xấu trong một khoảng thời gian nhất định, theo Hội đồng quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng cắt giảm lãi suất cho vay, bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính, tung ra các khoản vay ưu đãi cũng như miễn hoặc hoãn thuế với những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Hàn Quốc, quốc gia đã có hơn 2.000 ca nhiễm bệnh, cũng tung ra các khoản hỗ trợ đối với nhiều ngành công nghiệp.

“Việc mở rộng các khoản vay ưu đãi có thể đẩy Trung Quốc chìm sâu hơn vào vòng xoáy nợ xấu”, theo Andrew Sullivan, giám đốc Pearl Bridge Partners, một công ty môi giới và đầu tư có trụ sở tại Hong Kong.

“Virus có thể làm tăng khả năng không thanh toán được nợ, và trong nửa đầu năm tất cả các chỉ số sẽ không đúng như kỳ vọng. Các biện pháp hỗ trợ chỉ làm tăng rủi ro không hoàn thành nghĩa vụ trả nợ”.

Hệ thống ngân hàng tại Trung Quốc ước tính có giá trị lên đến 41.000 tỷ USD và là hệ thống ngân hàng lớn nhất trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia có tổng giá trị các khoản nợ xấu lớn nhất toàn cầu, vấn đề quốc gia này mong sớm có thể giải quyết.

Vi Covid-19, nganh ngan hang tai chau A nguy co mat hang ty USD-Hinh-2

HSBC Holdings cũng như nhiều “đối thủ” khác tại châu Á đang phải đối mặt với nguy cơ doanh thu sụt giảm đến 2 tỷ USD. Ảnh: Getty Images.

Sau khi tính đến các quy định làm giảm áp lực trả nợ, S&P ước tính tỷ lệ các khoản nợ “đáng ngờ” của Trung Quốc có thể lên đến từ 10,5% đến 11% sau khi dịch bệnh được khống chế, cao hơn nhiều so với mức 7,5% ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ có những biện pháp hỗ trợ, ví dụ như gia hạn kế hoạch trả nợ nhằm làm giảm áp lực đối với người dân cũng như doanh nghiệp sau biến cố. Điều đó cho phép các ngân hàng có thể giảm tỷ lệ các khoản vay “đáng ngờ”, những khoản vay chưa được liệt vào danh sách nợ xấu, trong một thời gian dài hơn.

Các ngân hàng Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về sức ảnh hưởng của dịch bệnh gây ra bởi virus Covid-19. Những “chủ nợ” lớn nhất tại quốc gia này, bao gồm 4 ngân hàng lớn nhất ICBC, BOC, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc sẽ công bố báo cáo tài chính trong tháng 3.

Sau khi HSBC công bố báo cáo doanh thu hồi tuần trước, giám đốc tài chính Ewen Stevenson có đôi lời gửi đến các nhà đầu tư cũng như các chuyên gia phân tích rằng công ty có thể bị ảnh hưởng từ 200 triệu USD đến 500 triệu USD trong quý I. Trong tính huống xấu nhất, ngân hàng này có thể có đến 600 triệu USD nợ xấu. Trong khi đó, ông không tiết lộ những ảnh hưởng của dịch bệnh lên doanh thu của ngân hàng, nhưng cũng chia sẻ rằng “thiệt hại là đáng kể nếu như virus Covid-19 tiếp tục hoành hành trong 4-6 tuần tới”.

Giám đốc điều hành DBS Piyush Gupta cho biết các ngân hàng sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng trong quý I. Ông kỳ vọng Covid-19 có thể được kiểm soát sau đó. Ông ước tính doanh thu của công ty có thể sụt giảm từ 100 triệu USD đến 150 triệu USD, chiếm khoảng 1% tổng doanh thu. Con số đó có thể tăng lên gấp đôi nếu như dịch bệnh kéo dài hơn.

DBS dự báo phí quản lý tài sản sẽ giảm do khách hàng mang nặng tâm lý dè chừng. Ngân hàng này cũng nhận thấy những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của ngành dịch vụ bán lẻ, điều có thể gây ảnh hưởng đến tần suất sử dụng thẻ tín dụng của khách hàng.

Bank of East Asia, có trụ sở tại Hong Kong, phải cắt giảm dự báo tăng trưởng các khoản vay và hạ kỳ vọng tăng trưởng doanh thu từ các khoản phí từ mức 2 con số xuống còn 1 con số. Bên cạnh đó, họ cũng dự đoán chi phí tín dụng tại Hong Kong sẽ giảm từ 10 đến 20 điểm phần trăm do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

“Sức ảnh hưởng của dich bệnh Covid-19 lan đến hệ thống ngân hàng châu Á, nhưng dường như những ảnh hưởng mang tính vĩ mô là lớn hơn nhiều so với những gì thị trường dự đoán”, theo Vincent Tsui, chuyên gia phân tích khu vực châu Á tại Gavekal Research.

“Những tác động sẽ phụ thuộc vào độ dài thời gian dịch bệnh diễn ra cũng như những chính sách của chính phủ”, ông cho biết. Ông cũng nhấn mạnh rằng tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng, nhưng hệ thống ngân hàng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể đương đầu với sự cố lần này.

Các ngân hàng châu Á là những ngân hàng có giá trị tài sản lớn nhất trên thế giới, thường được đánh giá là các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cấp 1, mức cao nhất nhằm xếp hạng khả năng chống chọi lại với những thiệt hại xảy ra trong tương lai, và đang ở mức trung bình trên 11% tổng tài sản.

HSBC, Standard Charterrd và các ngân hàng Singapore là những ngân hàng đứng đầu với tỷ lệ an toàn vốn trên 14%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các ngân hàng lớn của Trung Quốc là 12% hoặc cao hơn. Mức thấp nhất được đánh giá bởi số đông nhà lập pháp là 7%, và các quốc gia có thể tự do quy định tỷ lệ đó ở mức cao hơn, đặc biệt là hệ thống luật pháp tại các quốc gia châu Á.

Đối với các ngân hàng châu Á, “nếu như tình hình được ổn định, nửa cuối năm nay sẽ là quãng thời gian của sự phục hồi, nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với áp lực lợi nhuận khi tốc độ tăng trưởng các khoản vay chỉ dừng lại ở mức 1 con số”, theo Michael Wu, một chuyên gia phân tích của Morning Star, có trụ sở tại Hong Kong.

Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, chúng ta vẫn sẽ tin tưởng vào sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu. Đó chính là động lực thúc đẩy nhu cầu sử dụng các sản phẩm trong ngành ngân hàng, góp phần vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của giới ngân hàng trong các năm tới.

Theo NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN