Vênh nghìn tỷ trước khi cổ phần hóa tại Vicem là do quên?

Nguyên nhân chênh lệch cả nghìn tỷ đồng khi xác định tài sản, giá trị vốn nhà nước tại Vicem là do bỏ quên giá trị quyền khai thác khoảng sản của một số công ty con.
Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa gửi đến Bộ Xây dựng báo cáo kiểm toán về kết quả tư vấn định giá và xử lý các vấn đề tài chính trước khi công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem).
Theo báo cáo, khi thực hiện kiểm toán kết quả xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản, KTNN xác định tổng giá trị phần vốn nhà nước tại Vicem tăng khoảng 1.169 tỷ đồng.
Venh nghin ty truoc khi co phan hoa tai Vicem la do quen?
Vicem thiếu nghìn tỷ đồng trước khi cổ phần hóa. Ảnh: Vietnamnet.
Cụ thể, kết quả xác định giá trị Vicem theo phương pháp tài sản của KTNN cho thấy, giá trị tài sản Vicem thời điểm tháng 10/2018 khoảng 28.227 tỷ đồng, và giá trị vốn nhà nước khoảng 27.803 tỷ đồng.
Trường hợp xác định giá trị Vicem theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, KTNN khẳng định tổng giá trị vốn nhà nước tại Vicem đạt 25.127 tỷ đồng, tăng khoảng 1.747 tỷ đồng so với con số báo cáo của Vicem.
Nguyên nhân chênh lệch cả nghìn tỷ đồng khi xác định tài sản, giá trị vốn nhà nước tại Vicem trước cổ phần hóa được KTNN chỉ ra là khi xác định giá trị doanh nghiệp trước cổ phần hóa, Vicem bỏ quên giá trị quyền khai thác khoảng sản của một số công ty con trực thuộc Vicem.
Theo KTNN, tại thời điểm 1/10/2018, các công ty TNHH MTV thuộc Vicem được cấp 9 giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi, đá sét để sản xuất xi măng.
Trong đó, Vicem Hoàng Thạch được cấp 4 giấy phép, Vicem Hải Phòng được cấp 3 giấy phép, Vicem Tam Điệp được cấp 2 giấy phép. Thời gian được cấp phép từ 2-30 năm, tùy theo từng giấy phép.
Theo lý giải của Bộ Xây dựng, việc kiểm toán kết quả định giá này chưa tính đến lợi thế giá trị quyền khai thác mỏ do chưa có hướng dẫn.
Tuy nhiên, trong báo cáo, cơ quan kiểm toán cũng nêu rõ cách tính với loại tài sản này, đồng thời tạm xác định giá trị quyền khai thác các mỏ khoảng sản nói trên của các doanh nghiệp trực thuộc Vicem vào khoảng 1.193 tỷ đồng.

Video: Kiểm toán Nhà nước phát hiện Vicem... bỏ quên cả ngàn tỉ trước cổ phần hóa. Nguồn: Youtube

Bên cạnh đó, khi xác định phần vốn nhà nước tại Vicem, Công ty TNHH hãng kiểm toán AASC chỉ căn cứ theo báo cáo tài chính - giá trị sổ sách của Vicem khi góp vốn đầu tư dài hạn vào các Công ty Xi măng Chinfon, Công ty TNHH Siam City Cement VN, Công ty Xi măng Nghi Sơn - nên chưa bảo đảm đúng giá thị trường của các khoản đầu tư.
Cũng theo KTNN, giá trị các khoản đầu tư của Vicem vào các công ty con khoảng 3.660 tỷ đồng, tăng khoảng 1.239 tỷ đồng so với kết quả kiểm toán của Công ty TNHH hãng kiểm toán AASC.
Với những thiếu sót trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Vicem phối hợp với đơn vị kiểm toán điều chỉnh kết quả xác định giá trị doanh nghiệp. Hội đồng thành viên Vicem cần chỉ đạo các đơn vị thực hiện các kiến nghị và báo cáo kết quả cho Kiểm toán Nhà nước trước ngày 30/9.
Lý giải nguyên nhân lọt hàng nghìn tỷ khi định giá Vicem, lãnh đạo Vicem cho biết, đó là do phương pháp tính về chiết khấu dòng tiền. Đây là vấn đề nghiệp vụ Bộ Xây dựng và Kiểm toán nhà nước cũng tranh luận với nhau rất nhiều. Xác định kiểm toán đó là của tư vấn chứ không phải của doanh nghiệp.
Đơn vị tư vấn đã trình Bộ Xây dựng, Bộ cũng đã trình kiểm toán trong đó có vấn đề xác định về chiết khấu dòng tiền của xi măng Hoàng Thạch và Tam Điệp. Theo dòng tiền chiết khấu trong tương lai về hiện tại có dùng nhiều phương pháp trong đó phương pháp nào có lợi cho nhà nước nhất, kiểm toán cộng vào. Một phương pháp theo tài sản lại là phương pháp khác, tức là người ta dùng cả 2.
Đại diện Vicem cho biết thêm: "Vấn đề này, doanh nghiệp cũng đã có ý kiến. Báo cáo của kiểm toán vẫn nêu ra. Doanh nghiệp có trình Chính phủ nói rõ vấn đề này còn Chính phủ duyệt phương pháp nào thì tuỳ doanh nghiệp thực hiện. Đây là báo cáo kiểm toán chứ Kiểm toán không phải đơn vị quyết định".
Vicem là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Bộ Xây dựng. Đây là một trong số 93 tập đoàn, tổng công ty phải cổ phần hóa xong trước năm 2020, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8 vừa qua. Trong đó, cổ phần hoá Vicem nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.
Hoàng Minh (tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN