VDSC dự phóng tốc độ tăng trưởng mạnh năm 2022, dẫn dắt bởi mở rộng tổng tài sản. Kỳ vọng biên NIM ổn định nhờ:
1) nguồn vốn nước ngoài trung dài hạn giúp gia tăng NIM, 2) lãi suất cho vay bật tăng khi một số gói hỗ trợ kết thúc, và 3) xu hướng bền vững ở CASA.
Cơ sở hạ tầng điện toán đám mây hoàn thiện năm 2022 sẽ nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, qua đó thúc đẩy CASA và thu nhập ngoài lãi.
Tăng trưởng dự phóng 2022 đạt 26% đối với thu nhập lãi, 23% đối với thu nhập dịch vụ, 25% đối với tổng thu nhập, 28% đối với lãi trước thuế. Chi phí tín dụng biên dự kiến đi ngang nhờ hoàn nhập và bộ đệm tốt.
VDSC duy trì LNTT ước tính giai đoạn 2021-2022 là 23.010 tỷ đồng (+46% YoY) và 29.357 tỷ đồng (+28% YoY). Điều này đồng nghĩa lãi trước thuế quý 4/2021 ở mức 5.913 tỷ đồng, tăng +16% YoY.
TCB được kì vọng sẽ tận dụng môi trường chính sách tiền tệ hỗ trợ để duy trì hạn mức tăng trưởng tín dụng cao trong giai đoạn 2021-2025, qua đó mở rộng bảng cân đối mạnh mẽ trên nền tảng mang lưới tiền gửi mạnh và đà phục hồi kinh tế. Tăng trưởng tổng tài sản sẽ là động lực lợi nhuận quan trọng.
Sự ổn định của CASA trong quá trình mở rộng mạnh cơ sở huy động và các nguồn vốn nước ngoài trung và dài hạn lợi suất thấp mang lại chi phí huy động cạnh tranh và bền vững.
Chi phí huy động thấp ổn định là cơ sở định giá các sản phẩm cho vay cạnh tranh, từ đó cho phép ngân hàng tiếp cận hồ sơ khách hàng có cán cân lợi nhuận rủi ro hiệu quả, giúp quản lý chi phí rủi ro trong các cú sốc và duy trì biên NIM điều chỉnh rủi ro cao.
VDSC xem sự ổn định của CASA bán lẻ là một thế mạnh của TCB, vì tiền gửi tăng đột biến thời gian qua sẽ trở thành rủi ro toàn ngành trong quá trình bình thường hóa lãi suất.
Chênh lệch kì tài định giá dương ở rổ kì hạn ngắn và tỷ trọng lớn nợ phải trả không nhạy cảm với lãi suất giúp TCB hưởng lợi từ việc lãi suất tăng trở lại. Kết hợp với tăng trưởng bảng cân đối và áp lực giảm ở chi phí tín dụng biên, ROE dự kiến duy trì ở mức 22-23% trong vài năm tới.