Ngày 7/3, giá vàng miếng SJC lên vùng 79,8-81,8 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn cũng lập kỷ lục mới lên 66,85 – 68,1 triệu đồng/lượng.
Cơn sốt giá vàng trong dân dường như đang quay trở lại trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa thực sự hấp dẫn. Lãi suất huy động thấp kỷ lục, chứng khoán bấp bênh trong khi bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu rã băng. Do đó, tâm lý người dân là chuyển sang một kênh đầu tư mang tính tích trữ và kỳ vọng hưởng lợi vào việc giá vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng mạnh khi Fed bắt đầu giảm lãi suất trong nửa cuối năm.
Nhu cầu mua vàng gia tăng trong dân cư tác động không nhỏ đến áp lực tỷ giá. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kiểm soát chặt chẽ việc nhập vàng chính ngạch nhưng vàng lậu bằng cách nào đó vẫn có thể tuồn vào Việt Nam theo nhiều đường để hưởng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Xu hướng tỷ giá thị trường chợ đen tăng cao có lúc cao hơn tỷ giá ngân hàng niêm yết đến 1.000 đồng/USD có thể là một trong những minh chứng cho nhu cầu nhập khẩu tiểu ngạch tăng cao trong đó có vàng.
Cơn sóng vàng và USD hiện tại đặt NHNN vào một thách thức ngay từ đầu năm là làm thế nào để ổn định hai thị trường này mà không làm xáo trộn quá nhiều các mục tiêu vĩ mô chính như tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Việc xử lý quá nhanh hay quá chậm đều có thể để lại những hệ lụy cho nền kinh tế, đặc biệt là về tăng trưởng.
Việc người dân rút tiền mua vàng có thể làm giảm nguồn vốn huy động từ các ngân hàng, từ đó ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng. Lãi suất bình quân liên ngân hàng trong thời gian qua đang có dấu hiệu tăng cũng có thể cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đã không còn dồi dào như trước. Nếu như xu hướng này vẫn còn tiếp diễn thì lãi suất huy động ở thị trường 1 theo nguyên tắc liên thông giữa thị trường 1 và 2 sẽ tăng. Việc này kéo theo lãi suất cho vay tăng và ảnh hưởng đến mục tiêu của NHNN là duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Còn việc USD tăng giá cũng ảnh hưởng khá nhiều đến xuất nhập khẩu, nhưng tác động sẽ ngắn hạn vì Việt Nam vẫn là một quốc gia xuất siêu cũng như các áp lực rút vốn từ khối ngoại thực sự không quá lớn.
Tuy nhiên việc vàng hóa nền kinh tế và khiến cơn sốt vàng quay trở lại mạnh mẽ sẽ gây ra không ít khó khăn trong việc điều hành chính sách tỷ giá trong thời gian tới. Khi chúng ta phải mất đi 1 lượng ngoại tệ cho nhu cầu về vàng trong dân chúng (đương nhiên dưới dạng nhập vàng tiểu ngạch không chính thức).
Ở những thời điểm căng thẳng thì NHNN có thể phải sử dụng dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá. Việc tung USD ra cũng đồng nghĩa với việc hút VND về. Điều này sẽ gây áp lực đến thanh khoản của nền kinh tế vốn đang rất cần vốn để phục hồi kinh tế. NHNN có thể thực hiện chính sách vô hiệu hóa bằng cách mua giấy tờ có giá của NHTM để tiếp tục bơm thêm tiền cho nền kinh tế. Nhưng nếu việc bơm hút không nhịp nhàng cũng dễ dẫn đến các cú sốc trong ngắn hạn.
Nhìn chung tác động của cơn sốt vàng đến chính sách tiền tệ và các mục tiêu kinh tế vĩ mô có thể làm đảo lộn các kế hoạch của NHNN ngay từ đầu năm, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành các mục tiêu chính là tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong năm nay.
Nhu cầu vàng hiện tại mặc dù có tác động nhưng chưa thực sự lớn và ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ cũng như các biến số vĩ mô sẽ chưa nhiều. Nhưng nếu như NHNN không phát đi thông điệp cùng động thái rõ ràng về bình ổn thị trường vàng trong thời gian tới thì tình trạng vàng hóa có thể gia tăng trong nền kinh tế, kèm với đó là tác động đến thị trường tài chính tiền tệ sẽ lớn hơn.
Xu thế giá vàng trong nước và thế giới liên tiếp phá đỉnh mới và vẫn còn được kỳ vọng tăng tiếp trong thời gian tới tạo nên rủi ro tiềm ẩn rất lớn buộc NHNN phải có biện pháp xử lý.