Valentine 2017: Xuất hiện quà tặng nguy hiểm chocolate cần sa

Thị trường quà tặng Valentine 2017 khá sôi động, trong đó đáng chú ý là loại quà mới rất nguy hiểm: chocolate cần sa.
Sắp đến Valentine 2017 (14/2), thị trường quà tặng, đặc biệt là chocolate đang trở thành mặt hàng “hot” và được săn đón. Song, thay vì tặng những thanh chocolate truyền thống, không ít bạn trẻ cất công đi tìm những món hàng “độc”, “lạ”. Trong đó, đáng kể nhất là chocolate trộn cần sa.
250.000 đồng một thanh chocolate cần sa
Trên mạng xã hội, mấy ngày cận Valentine bỗng dưng “sốt” một quà tặng đúng nghĩa “độc”, “dị”, “lạ”, đó chính là chocolate cần sa. Theo lời chia sẻ của một số chủ buôn mặt hàng này tại Hà Nội, sở dĩ, chocolate cần sa được bán rầm rộ trên mạng là vì đây là một món ăn, không phải chất hút hít như cần sa thuần túy nên không bị cấm (?!).
Valentine 2017: Xuat hien qua tang nguy hiem chocolate can sa
Lời quảng cáo trên mạng của chị Hạnh. 
Theo như lời quảng cáo của chủ buôn, Valentine tặng chocolate xưa rồi, thời thượng bây giờ phải tặng chocolate cần sa mới đúng chuẩn hiện đại. Chocolate cần sa thích hợp cho những cặp đôi thích “thăng”.
Phóng viên báo điện tử VTC News đã chủ động liên hệ với đầu nậu để tìm hiểu rõ nguồn gốc, cũng như các tác dụng "thần thánh" của loại chocolate đang “làm mưa, làm gió” trong mùa Valentine năm nay.
Một đầu nậu tên Hạnh, có địa chỉ ở Phố Huế (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, giá cả của loại chocolate cần sa là 250.000 đồng. Chị này đảm bảo, ăn một miếng là phê pha tới bến.
“Chocolate cần sa được trộn từ 70% chocolate với 80g cần sa. Đây là hàng xịn 100% được người quen mang về từ cộng hòa Séc”, chị này nói.
Ngoài ra, chị này bày cách sử dụng chocolate cần sa để đạt được “hiệu quả” nhất. “Nên ăn khi đói hoặc cơ thể trong trạng thái bình thường, sau khi ăn khoảng 2 đến 3 tiếng nó mới ngấm, chứ không ‘thăng’ luôn, tác dụng 6 tiếng đến cả ngày. Đã là cần lại còn đi với chocolate thì lại càng ‘thăng’ luôn” - Chị này quảng cáo.
Thuật ngữ “thăng”, “hight” là từ lóng dùng để miêu tả cảm giác lên “đỉnh” của một người đang sử dụng cần sa. Trong trạng thái “thăng” hay “hight”, người sử dụng cần sa thường có biểu hiện không ổn định như hay cười, nói lảm nhảm một mình. Nguy hiểm hơn, những hỗn hợp liên quan tới cần sa có tác dụng kích thích thần kinh và gây nghiện, tạo cảm giác thư giãn, sảng khoái, phấn chấn với những ảo giác, hoang tưởng.
Thấy phóng viên có vẻ thắc mắc, chị Hạnh trấn an: “Yên tâm, đây không phải chất cấm đâu mà sợ, đây là món ăn. Trước đó 1 tuần, chị phải bán được cả khá nhiều rồi đấy. Em không lấy nhanh, mấy ngày nữa lại không có mà mua đâu”.
Ngoài ra, cơ sở này con nhận bán buôn chocolate cần sa: “Nếu như em đặt cọc trước cho chị, em muốn bao nhiêu hàng cũng được”.
Theo giới sành chơi cần sa, với 80g cần sa trong 100g chocolate, thì loại chocolate này được đánh giá là khá nặng. “Nếu sử dụng liều lượng vừa phải thì không vấn đề gì, còn nếu lạm dụng quá sẽ có nhiều tác dụng phụ như gây nghiện hoặc sinh ảo giác”, một thanh niên “chuyên cần” cho hay.
Nguy hại từ chocolate cần sa
Chocolate cần sa thực chất còn một tên gọi khác là “bánh lười”. “Bánh lười” là một danh từ chung để chỉ một số loại thực phẩm được trộn cần sa như chocolate, kẹo hoặc bánh ngọt,… Giá cả của chúng cũng muôn hình vạn trạng, phụ thuộc vào đầu nậu kinh doanh.
Trên thực tế, chocolate cần sa không ngọt ngào, thơm ngon như cái tên của nó. Nguyên liệu để làm thành phẩm gồm phần búp của cây cần sa (hay còn gọi là pin, cỏ) được xay nhuyễn rồi trộn với hỗn hợp chocolate.
Valentine 2017: Xuat hien qua tang nguy hiem chocolate can sa-Hinh-2
Cận cảnh chocolate cần sa. 
Các bác sĩ cũng đưa ra nhiều khuyến cáo về tác hại của cần sa đối với sức khỏe của con người. Theo đó, thành phần chính của bánh lười là cần sa, có chứa chất melatonin, có tác dụng an thần chỉ định cho những người bị chứng mất ngủ.
Ngoài ra, trong cần sa có chứa chất tetrahydrocannabinol (THC) - chất này có tác dụng hạ huyết áp, an thần nhưng đặc biệt là kích thích và gây nghiện, tạo cảm giác thư giãn, sảng khoái, phấn chấn với những ảo giác, hoang tưởng. Chưa kể THC gây biến chứng cho hệ hô hấp gấp 4 lần so với thuốc lá, tạo cho triệu chứng ung thư cũng tiến triển nhanh hơn.
Khi sử dụng cần sa trong thời gian dài, người sử dụng sẽ bị tổn thương cho các tế bào não và có thể làm người sử dụng bị suy nhược thần kinh, rối loạn nhận thức, mất khả năng tập trung, đặc biệt ở những người đã có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt.
Các loại ma túy tổng hợp, bao gồm cả cần sa có tác động thần kinh tâm thần mạnh nên có thể gây ra loạn thần, khi đó người sử dụng thường có những ảo giác, hoang tưởng. Các ảo giác này có thể xuất hiện ngay sau sử dụng thuốc và sau khi bệnh nhân không tiếp tục sử dụng nó, một số hành vi phạm pháp luật, đánh người, giết người… do "phê" ma túy đã không còn là hiếm.
Theo Tiểu Lâm/VTC News

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN