Uber và Grab bị Singapore phạt 13 triệu SGD vì sáp nhập

Ủy ban cạnh tranh và tiêu dùng Singapore (CCCS) đã phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu đôla Singapore (SGD), tương đương 9,5 triệu USD, vì vụ sáp nhập của 2 công ty này.
Theo Channel News Asia, mức phạt với Uber là 6,58 triệu SGD trong khi Grab bị phạt 6,42 triệu SGD. Mức phạt mà CCCS áp dụng dựa trên doanh thu của 2 công ty, bản chất, thời gian và mức độ vi phạm, và tình tiết tăng nặng cũng như giảm nhẹ.
CCCS cho biết các hình phạt được áp dụng để ngăn chặn việc vụ sáp nhập gây tổn hại đến cạnh tranh, trong bối cảnh giao dịch mua bán - sáp nhập đã hoàn thành và không thể đảo ngược.
Kết quả điều tra của CCCS cho biết Grab đã tăng giá sau khi loại bỏ đối thủ là Uber. Cụ thể, mức giá đã tăng 10-15%. Cơ quan này cũng cho biết họ đã nhận được "rất nhiều khiếu nại" từ cả khách hàng và tài xế về giá cước và hoa hồng của Grab.
Uber va Grab bi Singapore phat 13 trieu SGD vi sap nhap
 Uber và Grab bị Chính phủ Singpapore phạt 13 triệu SGD. Ảnh minh họa.
CCCS cũng nhận thấy Grab hiện nắm khoảng 80% thị phần và thống lĩnh thị trường khiến các đối thủ cạnh tranh tiềm năng khó mở rộng quy mô và thị trường. Đặc biệt khi Grab áp đặt các nghĩa vụ độc quyền đối với các công ty taxi, các đối tác có xe.
Cơ quan này cũng thông báo về các biện pháp tiếp theo để giải quyết các vấn đề cạnh tranh và giảm bớt tác động của thỏa thuận đối với tài xế và khách hàng. Theo đó, CCCS yêu cầu Grab xóa bỏ các quy định mang tính áp đặt một chiềuđối với tài xế, duy trì thuật toán định giá và tỷ lệ hoa hồng trước thời điểm sáp nhập.
Trong một thông cáo phát đi, Grab cho biết đã làm việc với CCCS trong quá trình điều tra nhiều tháng qua. Grab cho biết “rất vui” khi không bị Chính phủ Singapore yêu cầu hủy giao dịch giữa Uber và Grab.
"Chúng tôi đã không cố tình hoặc vi phạm luật cạnh tranh một cách cẩu thả. Grab đồng ý rằng việc giữ cho thị trường mở và có thể cạnh tranh tốt nhất cho người tiêu dùng và người lái xe. Chúng tôi sẽ tuân thủ các biện pháp khắc phục do CCCS đặt ra”, Grab cho biết.
Tuy nhiên, Grab không đồng tình với việc CCCS cho rằng thị trường giảm tính cạnh tranh. Hãng này cho biết hành khách được tự do lựa chọn giữa taxi đường phố và xe thuê riêng. Và thực tế là thu nhập của người thuê xe hơi tư nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cạnh tranh khốc liệt với taxi đường phố.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với CCCS và Bộ Giao thông Singapore để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người. Về mặt này, chúng tôi hoan nghênh sự sẵn lòng của CCCS xem xét các biện pháp khắc phục khi điều kiện thị trường thay đổi. Grab cam kết định giá hợp lý và chưa tăng giá vé kể từ giao dịch mua lạp Uber. Grab sẽ tiếp tục tuân thủ mô hình định giá trước giao dịch của chúng tôi”, Grab cho biết.
Trước đó, ngày 26/3, Grab tuyên bố họ đã mua lại các hoạt động tại khu vực Đông Nam Á của Uber. Ngay sau đó, CCCS đã tiến hành một cuộc điều tra về việc liệu giao dịch có vi phạm luật chống độc quyền hay không.
Grab đã mua toàn bộ hoạt động kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn của Uber tại thị trường Đông Nam Á, đồng thời tích hợp các hoạt động này vào nền tảng di chuyển và công nghệ tài chính của Grab.
Đổi lại, Uber giữ 27,5% cổ phần tại Grab, đồng thời CEO của Uber sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.
Tại Việt Nam, ngày 27/3, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương - Việt Nam) cũng đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp thông tin để làm rõ. Theo văn bản này, trên nguyên tắc để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép cơ quan cạnh tranh của các nước tại Đông Nam Á có quy định này.
Theo Hiếu Công/Zing

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN