Trong nhóm 7 ngân hàng được VDSC nêu ra thì chỉ có Vietcombank và HDBank là hai cổ phiếu khuyến nghị tích lũy, trong khi VPBank, MBBank, BIDV, Techcombank và ACB đều được khuyến nghị mua.
Đáng nói, chỉ riêng BIDV là cổ phiếu lọt vào nhóm được ưa thích nhất trong năm 2020 của VDSC cùng với 11 cổ phiếu của các ngành khác nhau.
Theo VDSC, trong nhóm 7 cổ phiếu ngân hàng này, cổ phiếu HDBank và Vietcombank có tỷ suất sinh lời cao nhất thấp nhất với lần lượt là 18,1% và 8,4%.
Trong khi đó, đứng đầu về tỷ suất sinh lời với mức cách biệt chính là cổ phiếu VPBank với 42,5%, tiếp đến là MBBank 26,6%, BIDV và Techcombank cùng ở mức 21%, riêng ACB là 20,1%.
Nhận định về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB), VDSC cho rằng, FE Credit đã phục hồi kể từ đầu năm 2019, do đó mảng tài chính tiêu dùng sẽ đóng góp tương ứng khoảng 59% và 53% vào thu nhập lãi và lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong năm 2020 của nhà băng này.
Thêm vào đó, tăng trưởng phí từ bảo hiểm nhân thọ (nhờ việc liên kết hợp tác bancassurance độc quyền với AIA), phí thanh toán và mở rộng cho vay thẻ tín dụng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng thu nhập dịch vụ của VPBank. Định giá hiện tại của VPBank đang ở mức rất hấp dẫn (PB dự phóng 2020 ở mức 0,9 lần và 2021 ở mức 0,7 lần), mặc dù cổ phiếu không còn room sở hữu nước ngoài.
|
Biến động cổ phiếu VPB 1 năm qua
|
Đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID), ngân hàng này đã có nhiều tiến triển trong việc tái cấu trúc dù mức tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn. Cổ phiếu BID đang được giao dịch ở mức PB dự phóng 2020 là 2,0 lần, cao hơn so với các ngân hàng khác (ngoại trừ VCB).
Tuy nhiên, VDSC dự báo ngân hàng xứng đáng với mức PB này do tiềm năng tăng trưởng được dự báo sẽ tốt hơn đáng kể sau thành công của thương vụ phát hành cho đối tác chiến lược Keb Hana Bank (KHB) và sau khi xử lý hết nợ VAMC.
VDSC dự báo rằng lợi nhuận sau thuế của BIDV sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm ở mức 30% trong giai đoạn 2019-2022 và ROE sẽ tiệm cận mức 18% trong ba năm tới.
|
Biến động cổ phiếu BID trong vòng 1 năm qua
|
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB) tiếp tục vượt trội so với các ngân hàng khác về cả kết quả kinh doanh và diễn biến giá cổ phiếu từ đầu năm đến nay.
Dựa trên lợi thế về chi phí vốn thấp, Vietcombank đã mở rộng NIM thành công bằng cách mở rộng sang các phân khúc có tỷ suất lợi nhuận cao hơn như cho vay bán lẻ và trái phiếu tổ chức tín dụng khác trong khi vẫn duy trì chất lượng tài sản lành mạnh.
Ngoài thu nhập lãi mở rộng tích cực thì phí dịch vụ cũng được dự báo sẽ tăng trưởng đáng kể trong trung hạn nhờ thu nhập bảo hiểm tăng mạnh. VDSC cho rằng các động lực này sẽ giúp Vietcombank duy trì tăng trưởng lợi nhuận kép hàng năm khoảng 20% trong giai đoạn 2020-2022.
|
Biến động cổ phiếu VCB trong vòng 1 năm qua
|
VDSC giữ quan điểm tích cực về Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) với thanh khoản dồi dào và sự tập trung cao độ vào các thế mạnh truyền thống thay vì mở rộng sang các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao.
Thêm vào đó, tiềm năng mở rộng thu nhập mảng bảo hiểm sẽ được thúc đẩy bởi việc ký kết hợp đồng phân phối bảo hiểm không độc quyền với Manulife và FWD, dựa trên cơ sở khách hàng bán lẻ trung thành của ACB. Đây sẽ là động lực chính thúc đẩy thu nhập lõi trong bối cảnh dự báo sẽ không có nhiều đột biến về thu nhập lãi thuần hay thu nhập khác.
Ngoài ra, chất lượng tài sản hàng đầu và khả năng kiểm soát chi phí tín dụng tốt là những lợi thế quan trọng sẽ giúp ACB duy trì được tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong trung hạn.
|
Biến động cổ phiếu ACB trong vòng 1 năm qua
|
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank, MBB) đã duy trì được tăng trưởng thu nhập vững chắc nhờ mở rộng cả thu nhập lãi và thu nhập dịch vụ. Mức tăng trưởng cao cho phép ngân hàng xóa nợ xấu sớm và duy trì bảng cân đối kế toán lành mạnh, dù xu hướng hình thành nợ xấu tại ngân hàng đang tăng lên.
|
Biến động cổ phiếu MBB trong vòng 1 năm qua |
VDSC cho rằng Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, TCB) có lợi thế dài hạn nhờ vào chiến lược rõ ràng, tập khách hàng thu nhập cao, quản trị nhân sự tiên tiến và vận hành hiệu quả. Ngân hàng cũng đã thành công trong việc củng cố các lợi thế về chi phí huy động vốn và mở rộng thu nhập dịch vụ từ bảo hiểm và trái phiếu.
Hiện tại, chất lượng tài sản của Techcombank vẫn khá lành mạnh và chi phí dự phòng rủi ro đã giảm đáng kể. Tốc độ tăng trưởng kép bình quân hàng năm của lợi nhuận ước đạt 17% trong giai đoạn 2019-2022.
|
Biến động cổ phiếu TCB trong vòng 1 năm qua |
Đối với Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank, HDB), thu nhập lãi vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính trong bối cảnh không có nhiều các yếu tố tăng trưởng cho phí dịch vụ và thu nhập khác. Vì thu nhập lãi chiếm hơn 80% thu nhập hoạt động (và vẫn đang có xu hướng tăng) trong khi phí dịch vụ chỉ chiếm khoảng 5%, VDSC tin rằng HDBank sẽ cần xây dựng một cơ cấu thu nhập bền vững hơn.
Mặc dù vậy, HDBank là một trong số ít những ngân hàng đã mở rộng NIM đáng kể trong 9 tháng đầu năm năm 2019 nhờ đẩy mạnh LDR, dịch chuyển sang các phân khúc có biên lãi cao hơn và mảng cho vay tiêu dùng hồi phục.
|
Biến động cổ phiếu HDB trong vòng 1 năm qua |