Hai ngày đàm phán ở Washington đã không mang lại kết quả gì và sự bế tắc có chiều hướng gia tăng, nhưng dường như hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tránh được sự đổ vỡ đàm phán.
Lạc quan và bế tắc
"Tối hậu thư" nói trên được Mỹ đưa ra cùng ngày khi ông Trump tăng thuế quan lên 25% từ 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Diễn biến của vòng đàm phán đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu, và chứng khoán Mỹ đã chốt phiên ngày thứ Sáu trong trạng thái tăng nhờ những phát biểu của các quan chức hai nước rằng đàm phán diễn ra khá tốt đẹp.
Trong một loạt dòng trạng thái (tweet) trên Twitter vào cuối ngày, ông Trump nói đàm phán diễn ra "thẳng thắn và có tính xây dựng". "Mối quan hệ giữa tôi với Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn vững mạnh, và các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục trong tương lai", ông Trump viết.
Trước đó, ông Trump đã khiến giới đầu tư thêm phần lo sợ khi viết một dòng tweet vào buổi sáng sớm nói rằng Mỹ "không vội đi đến một thỏa thuận" với Trung Quốc.
Theo giới thạo tin, Mỹ và Trung Quốc dự định sẽ tiếp tục đàm phán, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể cho vòng đàm phán tiếp theo.
Trên bàn đàm phán, các quan chức Mỹ đã nói với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc rằng Bắc Kinh có 3-4 tuần để nhất trí một thỏa thuận với Washington. Nếu không có thỏa thuận đạt được đúng thời hạn này, thì thuế quan 25% sẽ được Mỹ áp lên thêm 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg.
Nguồn tin nói rằng lời cảnh báo này được Mỹ đưa ra sau khi Trung Quốc không có bất kỳ một sự nhượng bộ đáng kể nào trong 2 ngày đàm phán.
Trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Sáu, Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer nói chính quyền ông Trump sẽ công bố chi tiết về kế hoạch áp thuế lên khoảng 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày thứ Hai. Động thái này sẽ khởi động quy trình để ông Trump thực thi lời đe dọa mới nhất của ông về thuế quan đối với Trung Quốc.
Ba nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ và Trung Quốc. Từ trái qua: Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Washington hôm 9/5 - Ảnh: Reuters.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV ngày thứ Sáu, ông Lưu Hạc cho biết hai bên đã nhất trí duy trì đàm phán dù vấp phải "một vài sự phản kháng và phân tán nhất thời", và nói vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra ở Bắc Kinh. Ông phủ nhận ý kiến cho rằng đàm phán đã đổ vỡ, và khẳng định "đó chỉ là một số trở ngại thông thường, tất yếu trong đàm phán".
Ba nút thắt đàm phán
Tuy nhiên, ông Lưu Hạc cũng thể hiện quan điểm cứng rắn khí nói rằng "Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc không e sợ", và "Trung Quốc cần một thỏa thuận có tính hợp tác, có sự bình đẳng và tôn trọng".
Truyền thông nhà nước Trung Quốc vào ngày thứ Bảy đã đưa ra quan điểm chính thức của Bắc Kinh về những nút thắt trong đàm phán thương mại với Mỹ. Một bài viết của hãng thông tấn Tân Hoa Xã nói hai bên chưa đạt được nhất trí về ba vấn đề.
Thứ nhất là việc liệu thuế quan sẽ được dỡ toàn bộ hay từng phần, thứ hai là khối lượng hàng hóa Trung Quốc cần mua thêm của Mỹ để cân bằng cán cân thương mại, thứ ba là sự "cân bằng" trong văn kiện của thỏa thuận. Các nhà bình luận của Trung Quốc vốn phát tín hiệu rằng họ nhận thấy thỏa thuận dự kiến là phiến diện và ảnh hưởng đến chủ quyền của nước này.
Theo giới phân tích, việc Mỹ và Trung Quốc chưa thể chốt một thỏa thuận để chấm dứt chiến tranh thương mại đang đặt ra rủi ro lớn cho cả hai nền kinh tế. Thậm chí, kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái đúng vào thời điểm ông Trump chạy đua tái tranh cử Tổng thống vào năm 2020.
Những rủi ro này là một lý do khiến một số nhà phân tích tin rằng hai bên rốt cục sẽ phải đạt một thỏa thuận.
"Tôi không thấy có lý do nào để họ không đạt thỏa thuận cả. Đã có nhiều tiến bộ trong 4-5 tháng qua, và họ sẽ không xóa bỏ những bước tiến đó", ông Clete Willems, cựu cố vấn thuộc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của ông Trump, nhận xét.
Tuy nhiên, vòng đàm phán tuần này cũng cho thấy những khác biệt lớn còn tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi hai nước cùng lúc phải đối mặt với vấn đề chính trị của mỗi nước cũng như sự đối đầu quốc tế ngày càng gia tăng giữa họ.
"Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Trung Quốc có thể quay trở lại và đưa ra đề xuất đủ để ông Trump cấp nhận", chuyên gia Ely Ratner thuộc trung tâm nghiên cứu Center for a New American Security nhận xét. "Tôi nghĩ là họ khó có thể làm điều đó khi mà ông Trump đẩy căng thẳng leo thang. Càng ngày, mọi chuyện càng khó hơn, và ông Trump cũng đối diện thách thức chính trị lớn hơn".