Tính đến ngày 22/4, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,6% so với cùng kỳ, huy động vốn tăng 12,16%; tín dụng tăng nhẹ 0,99% so với cuối năm 2019. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VNĐ của các tổ chức tín dụng giảm ở cả ngắn, trung và dài hạn.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, theo số liệu mới cập nhật tín đến ngày 28/4/2020, tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã triển khai cho trên 170,000 khách hàng với tổng dư nợ xấp xỉ 130,000 tỷ đồng. Đã miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14,000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 29,000 tỷ đồng.
Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho khoảng 318,000 khách hàng với dư nợ trên 980,000 tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí có một số TCTD đã hạ lãi suất từ 2,5-4%).
Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 1-2% cho khoảng 150,000 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế kể từ 23/1 là trên 500,000 tỷ đồng.
Về tỷ giá, nhìn chung khá ổn định. Tỷ giá trung tâm cuối tháng 4 tăng khoảng 0,4%; tỷ giá liên ngân hàng biến động khoảng 1,1-1,2%, đảm bảo cân đối ngoại tệ cho nền kinh tế, ko phải sử dụng dự trữ ngoại tệ để can thiệp thị trường.
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ phối hợp chặt chẽ, liên quan chương trình cho vay tái cấp vốn, cuối tuần qua, NHNN đã nhận đc ý kiến của các Bộ ngành.
Trong tuần này, NHNN cam kết sẽ khẩn trương ban hành Thông tư về tái cấp vốn 16 ngàn tỷ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) để NHCSXH cho vay các doanh nghiệp trả lương cho người lao động.
Liên quan đến doanh nghiệp tiếp cận vốn khó khăn và quan điểm của Thống đốc là không hạ chuẩn cho vay, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dịch COVID-19 xảy ra đã tác động đến một diện rất rộng các DN và người dân. Có DN chịu tác động trực tiếp, có DN chịu tác động gián tiếp, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của các TCTD ở 2 góc độ.
Thứ nhất là các TCTD cũng là DN cung ứng dịch vụ thanh toán cho các DN nên khi DN và người dân bị ngưng trệ hoạt động SXKD thì đồng nghĩa với việc là nguồn thu dịch vụ của các TCTD cũng sẽ bị giảm xuống, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các TCTD.
Góc độ thứ hai rất quan trọng, đó là TCTD là trung gian tài chính, là tổ chức nhận tiền gửi của DN và người dân và cho DN và người dân vay. Khi DN và người dân bị ảnh hưởng không có nguồn thu thì đồng nghĩa với việc khó khăn trong việc trả nợ và theo đó ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các TCTD.
Khi nợ xấu phát sinh thì các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro và do đó cũng làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của DN.
Bài toán làm sao để NHNN thực hiện các giải pháp để hỗ trợ tối đa cho DN và người dân là vấn đề Thống đốc chỉ đạo rất quyết liệt.
Tuy nhiên vừa giải quyết khó khăn cho DN và người dân nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động của các TCTD là không được phá vỡ các tiêu chí về an toàn hoạt động của các TCTD.
Nếu như hạ chuẩn cho vay hoặc phá vỡ các tiêu chí về đảm bảo an toàn thì hệ thống các TCTD sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn trở lại như đã từng xảy ra trong giai đoạn trước đây.
Suy cho cùng khi hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng thì cũng sẽ tác động và gây hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính vì vậy mà sáng nay, Ủy ban Kinh tế đã tổ chức một phiên họp thẩm tra báo cáo kinh tế của Chính phủ cho kỳ họp tới. Tại đó đại diện của Hiệp hội DN vừa và nhỏ đã phát biểu và phân tính, thấu hiểu được những cái khó của hoạt động ngân hàng.
Hiệp hội cũng đề nghị rằng cần có các giải pháp khác để tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, ví dụ như để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cho DN và người dân thì có thể thúc đẩy việc bảo lãnh của Chính phủ cho DN.
Hy vọng trong thời gian tới sau cuộc đối thoại với các DN vào ngày 9/5, các DN cũng như các bộ, ngành sẽ cân nhắc có những giải pháp tích cực hơn, quyết liệt hơn.