Thống kê từ Báo cáo tài chính các doanh nghiệp (trừ nhóm ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm) đến cuối quý 3/2020, Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã soán ngôi vương của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) để trở thành doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất trong các doanh nghiệp niêm yết.
Tại ngày 30/9, tổng tiền và các khoản tương đương tiền của Vingroup là 30.289 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức 18.447 tỷ đồng hồi đầu kỳ.
Tiền mặt của Vingroup là 15.152 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 22.546 tỷ đồng công bố hồi đầu kỳ. Tiền gửi ngân hàng là 9.900 tỷ đồng, tăng 30% so với con số đầu kỳ.
Các khoản tương đương tiền bao gồm các khoản tiền gửi bằng đồng có kỳ hạn từ 1-3 tháng với lãi suất từ 3-4,3%/năm của tập đoàn tăng gần gấp đôi, từ mức 10.807 tỷ đồng lên mức 20.366 tỷ đồng.
Ngoài ra, VIC còn để gần 5.000 tỷ đồng để đầu tư tài chính ngắn hạn tại cuối quý 3/2020.
|
Nguồn: Tổng hợp BCTC. |
Ông lớn khác nắm giữ tiền mặt nhiều không kém là ACV với tổng gần 34.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Khoản tiền và các khoản tương đương tiền ở mức gần 584 tỷ đồng.
Công ty tăng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 12 tháng lên hơn 33.396 tỷ đồng. Nhờ đó, ACV mang về gần 541 tỷ đồng lãi ngân hàng trong quý 3/2020, bù đắp phần nào khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Thực tế những năm trước đó, ACV luôn duy trì lượng tiền mặt trên dưới 50% tài sản doanh nghiệp. Cũng chính hàng chục nghìn tỷ tiền mặt này mỗi năm đều đặn mang về cho công ty hàng nghìn tỷ tiền lãi mà không cần hoạt động kinh doanh.
Giữa lúc hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, lãnh đạo ACV cũng cho biết lợi nhuận năm 2020 sẽ chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng từ dòng tiền tích lũy nói trên. Tuy nhiên công ty dự tính, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi cũng sẽ giảm trong năm 2020 này.
Tổng CTCP Khí Việt Nam (PV GAS, GAS) cũng là doanh nghiệp luôn duy trì khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng rất cao. Tính đến 30/9, tổng tài sản của PV GAS đạt 61.700 tỷ đồng, trong đó tiền và tiền gửi ngân hàng đạt 26.732 tỷ đồng.
Trong bối cảnh sản lượng khí vào bờ và giá dầu trung bình các mặt hàng cũng giảm mạnh, nguồn thu từ tiền lãi ngân hàng đã phần nào giúp PV GAS không bị giảm sút mạnh so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của GAS ở mức 48.625 tỷ đồng, giảm 16% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng giảm 31% về mức 6.129 tỷ đồng.
Doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng Vinamilk (VNM) nắm giữ là 20.208 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.
Lượng tiền mặt của Vinamilk hiện tăng mạnh so với đầu năm. Trong những năm trước, Vinamilk thường xuyên nằm trong nhóm sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất. Lãnh đạo công ty này cũng cho biết, khoản tiền khổng lồ nói trên là nguồn tiền để chuẩn bị cho những thương vụ mua bán và sáp nhập mở rộng hoạt động kinh doanh theo kế hoạch.
Giữa năm nay, Vinamilk cho biết sẽ tăng vốn đầu tư tại Lao-Jagro từ 25,4 triệu USD lên 66,4 triệu USD, tương ứng tăng thêm 41 triệu USD (95 tỷ đồng) để hoàn thiện một số hạng mục bổ sung trang trại 4.000 con bò sữa hữu cơ (organics) thứ nhất và đầu tư trang trại bò sữa công nghệ cao quy mô 4.000 con cao sản (HF) thứ hai.
Vinamilk nắm 51% trong Lao-Jagro cùng với các đối tác từ Lào và Nhật Bản. Hiện Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên là Chủ tịch HĐQT Lao-Jagro, ngoài ra còn có 2 đại diện Vinamilk khác cũng có ghế trong HĐQT.
Một số doanh nghiệp khác cũng góp tên trong danh sách các doanh nghiệp nắm giữ khối tiền mặt và tiền gửi ngân hàng khủng như Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (PLX) với 17.980 tỷ đồng, VEAM (VEA) với 17.672 tỷ đồng, Vinhomes (VHM) với 15.997 tỷ đồng, Hoà Phát (HPG) với 14.418 tỷ đồng, FPT với 14.419 tỷ đồng, Thế giới di động (MWG) với 13.189 tỷ đồng,…