Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Năm 2022 Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển

Nhâm Dần 2022 được dự báo là năm nhiều thách thức nhưng nhìn chung, bức tranh kinh tế sẽ sáng hơn với kỳ vọng GDP trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh, từ 6 - 7%.
 
Nền kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực trong quý 4/2021 khi GDP bật mạnh lên 5,22% so với mức đáy của quý 3, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mức tăng trưởng đột biến của quý 4 đã giúp GDP cả năm đạt 2,58%, cao hơn mức dự phóng trung bình của các tổ chức tài chính là 2,4%.
Lạm phát cũng được duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua (bình quân 2021 chỉ tăng 1,86%) và tỷ giá tương đối ổn định khi VND chỉ tăng 1,2% so với USD so cuối năm 2020.
Tien si Can Van Luc: Nam 2022 Viet Nam co nhieu tiem nang de phat trien
 
GDP năm 2022 khoảng 6-7%
Bước sang năm 2022 với triển vọng về vaccine và kiểm soát dịch Covid-19, các nền kinh tế trên thế giới được dự báo tiếp tục tăng trưởng. Riêng với Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 của Chính phủ nằm trong khoảng 6 - 6,5% và CPI tăng khoảng 4%.
Trong khi đó, Mirae Asset dự báo GDP 2022 có thể dao động trong khoảng 5,7 - 6,2% trong trường hợp mở cửa nền kinh tế thành công. Động lực tăng trưởng chính là dòng vốn FDI kỳ vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, bởi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu. Đồng thời đầu tư công được đẩy mạnh. Ngoài ra, xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô và việc thúc đẩy chuyển đổi số chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhìn nhận khả quan hơn khi nhận định các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn được đánh giá sẽ ở mức an toàn trong năm 2022. Lạm phát sẽ đối mặt với áp lực tăng trở lại nhưng không quá lớn, đặc biệt nhờ vào giá thịt lợn được kỳ vọng không có biến động mạnh trong năm tới, trong khi giá dầu thô được đánh giá sẽ đi ngang so với nửa cuối năm 2021.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất điều hành, nhưng sẽ vẫn ở mức hỗ trợ cho thị trường. Đồng USD mạnh lên trước diễn biến giảm chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed, tuy nhiên, áp lực giảm giá của VND không lớn nhờ xu hướng xuất siêu, các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại hối ở mức cao, dự báo sẽ ở trong biên độ +/-2%.
Với mức nền so sánh thấp ở cả phía cung và cầu trong năm 2021, BVSC dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2022 sẽ đạt mức 7%.
Đồng quan điểm, SSI Research cho rằng trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên nền so sánh thấp giai đoạn 2020-2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý 3/2022 (tốc độ tăng trưởng có thể lên tới 2 chữ số).
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhìn nhận, năm 2022 có nhiều tiềm năng để Việt Nam phát triển, đặc biệt nếu Việt Nam làm tốt chuyển đổi số thì nhiều cơ hội để bứt phá. Một điểm nữa cũng không kém phần quan trọng chính là sự đồng thuận phối hợp giữa các bên hiện giờ tốt hơn trước rất nhiều. Chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế được ban hành cấp tốc, qua đó tạo được niềm tin với doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cũng lưu ý rằng vẫn còn thách thức đó là sự thiếu nhất quán đâu đó nặng nề giữa bộ này ngành kia, địa phương này địa phương kia. Ngoài ra, Việt Nam đang phục hồi nhưng không đồng đều, phân tán giữa các địa phương; hay có ngành tốt ngành thì khó khăn như du lịch vận tải. Đó là bài toán khó.
Còn Chuyên gia kinh tế - Thạc sĩ Hồ Bá Tình tin tưởng rằng mục tiêu của Chính phủ là hoàn khả thi với triển vọng về khống chế dịch bệnh và kinh tế hoạt động trở lại bình thường của cả thế giới. Riêng với Việt Nam, động lực còn đến từ việc đẩy mạnh đầu tư công, gói kích thích kinh tế và sự hồi sinh của các doanh nghiệp sau một thời gian dài khó khăn. Ngoài ra, hoạt động của khối doanh nghiệp FDI vẫn rất tốt.
Tien si Can Van Luc: Nam 2022 Viet Nam co nhieu tiem nang de phat trien-Hinh-2

Lãi suất tăng không đáng kể... không ảnh hưởng môi trường kinh doanh
Cũng như một số nước đang phát triển, Việt Nam có thể tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ, ít nhất là thêm một năm nữa. SSI Research cho rằng chỉ số CPI có thể xấu đi từ quý 2/2022 và lãi suất chạm đáy trong năm 2022, nhưng xu hướng của lãi suất sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế. Theo kịch bản cơ sở của SSI Research, lãi suất ước tăng không đáng kể trong năm 2022, và không tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.
Tương tự, TS Cấn Văn Lực cho rằng trong năm 2022 lãi suất sẽ có lúc tăng lúc giảm nhưng về cơ bản được duy trì ổn định để góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế dù gặp áp lực tăng lãi suất trên thế giới. Còn về nợ xấu có tiềm ẩn rủi ro nhưng không quá lo như giai đoạn trước bởi Việt Nam kiểm soát được.
Một trong những rủi ro đáng chú ý liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô 2022 là lạm phát. Lương thực và thực phẩm có thể là yếu tố chính tác động đến lạm phát trong 2022 nhưng đây có thể không phải rủi ro lớn đối với một trong những quốc gia sản xuất lương thực lớn như Việt Nam. Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu ước tính cao hơn nhiều và chi tiêu công lớn có thể lại góp phần làm tăng lạm phát nhiều hơn là kích thích tăng trưởng.
Ngoài ra, rủi ro khác có thể đến từ ngành bất động sản. Đầu tư bất động sản luôn được coi là biện pháp tốt để phòng ngừa lạm phát và SSI Research cho rằng Chính phủ hiện nay khá quan ngại việc giá bất động sản tăng nóng và sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản) trong thời gian vừa qua. Tuy không quá lo ngại về nguy cơ bong bóng bất động sản, nhưng việc Chính phủ can thiệp để bình ổn thị trường bất động sản có thể tạo ra những rủi ro nhất định đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế nói chung.
ThS Hồ Bá Tình cũng lưu ý, rủi ro chính của cả Việt Nam và thế giới chính là lạm phát. Đối với Việt Nam thì nợ xấu và bong bóng tài sản dẫn đến hoạt động kinh tế bị méo mó. Tuy nhiên, ông tin tưởng vào chính sách điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ khéo léo, hợp lý để xử lý các rủi ro.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN