Thương nhân Trung Quốc đổ xô sang Việt Nam "săn" vải thiều Lục Ngạn

Một tuần nữa mới vào chính vụ vải thiều Lục Ngạn, nhưng thời điểm hiện tại, thương nhân Trung Quốc đã chuẩn bị nhiều mối thu mua vải của người dân.
Vải Lục Ngạn đến tận Tân Cương
Những ngày này, trên Quốc lộ 31 dẫn vào huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) thường xuyên ùn ứ khi lượng xe máy xe tải liên tục đổ về huyện Lục Ngạn để mua vải thiều.
Dọc con đường vào huyện là những điểm thu mua, cân vải hoạt động từ sáng sớm tới tối. Theo thống kê của huyện Lục Ngạn hiện đã có khoảng 100 thương nhân Trung Quốc có mặt ở Lục Ngạn để thu mua vải.
Ông Khương Hội Thông, đại diện Công ty TNHH Nông sản Nông Mỹ Hồng (ở Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Quốc) đã có mặt ở Lục Ngạn cả tuần nay để chuẩn bị các mối hàng thu mua vải thiều. Ông Thông cho biết, đã về Lục Ngạn mua vải gần chục năm, quả vải Việt Nam rất được chuộng ở thị trường Trung Quốc khi cùi dày, hạt nhỏ, màu sắc đẹp và ăn ngon.
 Người dân Lục Ngạn vui khi vải thiều được mùa.
“Chất lượng quả vải Việt Nam được đánh giá cao, Trung Quốc cũng có vùng trồng vải nhưng chất lượng ko tốt và sản lượng thấp. Công ty chúng tôi hiện đang là đầu mối nhập vải thiều Lục Ngạn cho 57 siêu thị ở khắp Trung Quốc” – ông Thông nói.
Cũng theo ông Thông thì vải thiều Lục Ngạn khi qua cửa khẩu sẽ được cơ quan kiểm tra chất lượng, các lô hàng vải thiều đều phải có tem truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, với vải thiều được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP thì đơn vị nhập khẩu rất yên tâm về chất lượng, giá bán vải thiều Việt Nam tại các siêu thị Trung Quốc khoảng 60.000 đồng/kg.
Dự tính trong chính vụ vải, mỗi ngày Công ty TNHH Nông sản Nông Mỹ Hồng sẽ thu mua khoảng 250 tấn vải thiều. Siêu thị mà công ty cung cấp xa nhất là ở Tân Cương (Trung Quốc) cách Việt Nam hơn 7000 km.
“Thị trường tiêu thụ 1 tỷ dân của Trung Quốc thì sản lượng vài thiều có tăng lên cũng sẽ được tiêu thụ hết, vấn đề chỉ là chất lượng” – ông Thông cho biết thêm.
 Các tuyến đường tới huyện Lục Ngạn tấp nập người mua người bán.
Theo ông Giáp Văn Triệu, Giám đốc Công ty TNHH Triệu Biển (huyện Lục Ngạn), tiêu thụ vải thiều ở Lục Ngạn khoảng 3 năm trở lại đây vào thị trường Trung Quốc tăng trưởng rất tốt.
Mỗi vụ vải thiều công ty của ông tiêu thụ từ 7.000 – 8.000 tấn vải. Việc thu mua của thương nhân Trung Quốc cũng đã thay đổi trong những năm nay khi họ trực tiếp thu mua tại địa phương với số lượng lớn chứ không mua nhỏ lẻ ở biên giới như trước đây.
“Vải thiều mà các công ty Trung Quốc tới mua đều là vải loại một ở Lục Ngạn, quả to, ngọt, màu đẹp và được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Với vải loại một thì có bao nhiêu các thương nhân Trung Quốc đều nhập hết” – ông Triệu nói.
Vải thiều mất giá chỉ là tin thất thiệt
Khảo sát tại các đại lý ở khu vực phố Kim, xã Phượng Sơn và thôn Lim, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn giá vải U hồng loại 1 từ 14.000 - 20.000 đồng/kg, loại 2 từ 12.000 - 14.000 đồng/kg, loại 3 từ 9.000 - 12.000 đồng/kg.
Đây chưa phải là loại vải chất lượng, với vải thiều Thanh Hà được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP thì một tuần nữa mới thu hoạch, giá khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg.
Ông Vũ Văn Quynh (thôn Lim, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) là một trong những hộ trồng vải lớn tại Lục Ngạn dẫn chúng tôi đi thăm vườn vải của gia đình. 300 gốc vải của nhà ông Quynh sản lượng ước đạt 12-15 tấn và đều là vải loại 1 nên giá có thể bán trên 20.000 đồng/kg.
 Những điểm thu mua vải đang hoạt động hết công suất.
“Vải thiều Lục Ngạn chưa vào vụ thu hoạch thế nên không thể có hiện tượng được mùa mất giá, vải đầu mùa chủ yếu là vải chất lượng không cao vì thế giá bán có rẻ hơn so với vải thiều nhưng cũng tiêu thụ tốt” – ông Quynh nói.
Huyện Lục Ngạn hiện có gần 15.300 ha vải thiều, trong đó, 11.000 ha vải được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và trên 200 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Chất lượng vải thiều của Lục Ngạn luôn vượt trội hơn hẳn so với vải thiều được sản xuất ở nhiều địa phương khác và hầu như không bị sâu đục cuống.
Thông kê trong 3 năm trở lại đây, 50% sản lượng vải được tiêu thụ trong nước, 50% sản lượng là xuất khẩu. Trong năm nay, vải thiều Lục Ngạn đã mở rộng thị trường ra các tỉnh miền Trung. Các đơn vị như Big C cam kết tiêu thụ 600-1000 tấn, Hapro ký hợp đồng xuất khẩu vải thiều sang Malaysia với số lượng lớn...
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, bên cạnh thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu sang Australia, Mỹ và đặc biệt là Trung Quốc cũng được chú trọng.
Hiện có khoảng 100 thương nhân Trung Quốc có mặt tại huyện Lục Ngạn và đến chính vụ sẽ có khoảng 400 thương nhân có mặt tại Việt Nam để trực tiếp thu mua. Ông Bình cũng khẳng định thông tin về vải thiều Lục Ngạn mất giá, đổ bỏ là không chính xác.
“Clip đổ vải xuống sông như trên mạng xã hội đã lan truyền không phải ở huyện Lục Ngạn. Hiện tượng phản ảnh trong clip đó chỉ là nhỏ lẻ và là loại vải kém chất lượng nên khó bán được” – ông Bình nói.
Theo VOV

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN