Đây là 2 dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, có tên Dung Quất I và Dung Quất III. Mỗi nhà máy điện khí hỗn hợp có công suất 750 MW.
Các dự án này nằm trong Trung tâm điện lực Dung Quất với 3 nhà máy tuabin khí hỗn hợp Dung Quất và phần đất dự phòng cho nhà máy thứ 4 trong tương lai. Dự án còn lại - Dung Quất II do Tập đoàn Sembcorp (Singapore) rót vốn theo phương thức BOT.
Tổng mức đầu tư của cả 2 dự án khoảng 36.200 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của EVN là 20% tổng đầu tư, còn lại từ nguồn vay thương mại. Nhà máy đầu tiên sẽ đưa vào vận hành thương mại cuối năm 2023.
|
Dự án Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I đầu tư xây dựng các hạng mục kỹ thuật dùng chung trong Trung tâm Điện lực Dung Quất |
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chỉ đạo nhà đầu tư thực hiện dự án thượng nguồn làm rõ về thành phần khí, thông số khí đảm bảo đáp ứng tiến độ và hiệu quả đầu tư của cả chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh.
Đồng thời, Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát và chỉ đạo EVN trong việc lựa chọn cấu hình tổ máy để đảm bảo công suất và hiệu quả đầu tư. EVN cần làm rõ các vấn đề về công nghệ của 2 dự án, đặc biệt là công nghệ tuabin khí hỗn hợp khi nhà máy sử dụng khí có nhiệt trị thấp và hàm lượng khí trơ cao khai thác tại mỏ khí Cá Voi Xanh.
Được biết, dự án mỏ khí do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty thăm dò và khai thác dầu khí Việt Nam và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil Việt Nam thuộc Tập đoàn dầu khí ExxonMobil, trụ sở tại Mỹ phát triển. Các đơn vị này đã ký thỏa thuận khung phát triển dự án và thỏa thuận khung hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh vào năm 2017.
Trước đó, hồi tháng 9, trả lời về tin đồn tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil đang rút dần khỏi mỏ khí Cá Voi Xanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết các đơn vị đang triển khai dự án này theo kế hoạch.