Theo Bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu tuần từ 29/3 - 2/4 của Chứng khoán SSI, lãi suất tiếp tục ghi nhận ổn định.
Tuần qua, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất trên liên ngân nhích nhẹ 4-7 điểm phần trăm, chốt tuần ở mức 0.35%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0.46%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Nếu không tính đến đợt biến động ngắn mang tính chất mùa vụ của lãi suất liên ngân hàng trước và sau Tết Nguyên đán, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở vùng rất thấp trong suốt 9 tháng qua. Trong Q1/2021, lượng tiền bơm ròng qua thị trường mở và kênh ngoại tệ đều bằng 0.
Tín dụng Q1/2021 tăng 2.04% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 1.31% của cùng kỳ 2020.
Trong Q1/2021, SSI ghi nhận một số điều chỉnh tăng/giảm từ 10-40 điểm phần trăm tại một số NHTM (tập trung vào các kỳ hạn ngắn và khách hàng cá nhân) nhưng hầu hết giữ nguyên mức lãi suất tiền gửi.
Đối với lãi suất cho vay, Vietcombank áp dụng giảm lãi suất cho toàn bộ dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid trong 3 tháng, BIDV triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kéo dài đến 30/9/2021, hầu hết các NHTM vẫn giữ nguyên mức lãi suất cho vay so với cuối 2020.
NHNN vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo đó các NHTM có thể mở rộng phạm vi các khoản nợ được tái cơ cấu và có cơ sở để đưa ra phương án tài chính rõ ràng hơn nhờ ấn định thời điểm kết thúc tái cơ cấu, miễn giảm lãi là 31/12/2021 và quy định về trích lập dự phòng với lộ trình 3 năm. Điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các NHTM trong việc triển khai hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19
Hoạt động kinh tế sôi động hơn sẽ khiến cầu tín dụng và lạm phát tăng cao hơn trong nửa cuối 2021 khiến lãi suất tiền gửi gia tăng. SSI cho rằng mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết Q2/2021 nhưng có thể nhích tăng từ 30-50 điểm phần trăm trong nửa cuối năm 2021. Lãi suất cho vay đối một số lĩnh vực ưu tiên có thể điều chỉnh giảm nhẹ ở một số ngân hàng nhưng về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND giảm tại cả các NHTM và thị trường tự do.
Chỉ số sản xuất PMI tháng 3 tăng cao ở hầu hết các nước , kỳ vọng phục hồi kinh tế tiếp tục hỗ trợ tâm lý lạc quan trên thị trường toàn cầu trong đó tâm điểm là Mỹ.
Niềm tin người tiêu dùng Mỹ tăng khá mạnh, thị trường việc làm cải thiện tích cực và đặc biệt là đề xuất gói đầu tư hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden trong khi đang triển khai gói kích cầu 1.9 nghìn tỷ đồng đã gia tăng kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm 2021.
Trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục bị bán tháo, lợi tức kỳ hạn 10 năm tăng thêm 5bps trong tuần qua và tổng cộng đã tăng 81bps từ đầu năm đến nay, đang ở mức 1.722%/năm. Đồng USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền, chỉ số DXY chốt tuần ở mức 93.
Tại Việt Nam, chịu áp lực từ xu hướng tăng của USD trên thị trường quốc tế, tỷ giá trung tâm cũng được điều chỉnh tăng 11đ/USD lên mức 23.241đ/USD.
Tuy nhiên, tỷ giá niêm yết của các NHTM giảm 15đ/USD, về mức 22.950/23.160. Tỷ giá tự do giảm mạnh về mức 23.720/23.950, tương ứng mức giảm 250đ/USD chiều mua vào và 70đ/USD chiều bán ra.
Mặc dù nhu cầu ngoại tệ hiện tại cũng gia tăng do dòng tiền chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp nước ngoài nhưng nguồn cung trong nước cũng được hỗ trợ tốt từ thặng dư thương mại và dòng vốn FDI giải ngân.
Bởi vậy, SSI cho rằng tỷ giá USD/VND niêm yết của các NHTM sẽ vẫn ổn định ở vùng hiện tại trong khi tỷ giá tự do có thể biến động khá mạnh theo diễn biến của thị trường quốc tế.