Nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 lên mức 5,1%
Cụ thể, GDP quý 3/2023 tăng trưởng 5.33%, dù không như kỳ vọng nhưng tiếp tục cải thiện so với 2 quý đầu năm. Hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu vẫn hồi phục chậm do tốc độ hồi phục kinh tế toàn cầu chậm. Nhu cầu tiêu dùng trong nước có phần chậm lại trước bối cảnh lạm phát tăng, lượng tiền gửi người dân tại các ngân hàng tăng cao, 4,3% so với cuối quý 2 bất chấp lãi suất huy động giảm về khoảng 5,9% cho kỳ hạn trên 6 tháng.
Tình hình vốn đăng ký và giải ngân FDI là yếu tố tích cực nhất trong những tháng gần đây, hồi phục liên tục 6 tháng và đi vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, một ngành có tỷ trọng đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trước áp lực từ giá năng lượng, lạm phát tiếp tục tăng, tuy nhiên lạm phát bình quân 9T2023 ở mức 3,16%, vẫn thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 4.5% chính phủ đề ra. Tỷ giá tăng trở lại 2 tháng gần đây và cuối tháng 9 NHNN cũng có những biện pháp ngắn hạn rút bớt VNĐ trong nền kinh tế để hạ nhiệt tỷ giá cũng như giảm bớt dư thừa thanh khoản trong hệ thống NH. Yuanta cho rằng với tình hình xuất siêu mạnh, FDI tăng trưởng trở lại, khách quốc tế hồi phục, lượng dự trữ ngoại tệ bổ sung thêm trong 6 tháng đầu năm sẽ giúp NHNN có đủ vị thế để hạ nhiệt tỷ giá, tuy nhiên, NHNN không can thiệp mạnh tỷ giá để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.
Yuanta cho rằng tăng trưởng kinh tế cả năm khó đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra đầu năm tuy nhiên tăng trưởng quý 4/2023 sẽ tiếp tục cải thiện hơn so với quý 3. Yuanta nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 lên mức 5,1% so với mức 4,9% dự báo vào cuối quý 2 nhờ: sự hồi phục lĩnh vực Công nghiệp chế biến chế tạo; hoạt động đầu tư công tiếp tục tích cực (9T2023 giải ngân được 51.38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ hơn 110 nghìn tỷ).
Thị trường vẫn đang trong xu hướng Tăng dài hạn
Kết thúc tháng 9, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.154 điểm (-5,7%) với khối lượng giao dịch giảm 19% so với khối lượng giao dịch tháng 8/2023 và đồ thị giá giao dịch gần đường trung bình 50 tháng. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy dài hạn cho thấy thị trường có thể sẽ ít biến động trong tháng 10/2023 và các nhóm cổ phiếu có thể sẽ biến động phân hóa trong tháng.
Xu hướng dài hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức Tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với các nhóm cổ phiếu đã xác nhận xu hướng tăng và đang trong giai đoạn tăng trưởng tích cực.
Trong bối cảnh đó, Yuanta khuyến nghị nhóm cổ phiếu chú ý tháng 10 gồm:
• Hóa chất: DGC, DCM, LTG, CSV, DPM.
• Công nghệ: FPT, CMG.
• Ngân hàng: STB, VCB, ACB, MBB, TCB.
• Khí đốt: CNG, GAS.
• Bán lẻ: DGW, FRT.
• Dịch vụ dầu khí: PVS, PVD.
• Vận tải: GMD, PVT, VIP, HAH, PVP.