Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô
Thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 17/7 giảm 60.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, vàng SJC tại Hà Nội chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết ở mức 50,32 – 50,71 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ giảm 14,5 USD xuống 1.796 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi dần và lên trên 1.805 USD/ounce vào cuối giờ chiều. Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex New York tăng 6,5 USD xuống 1.806,8 USD/ounce.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,31% xuống 96,04 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.235 đồng, tăng 14 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.100 - 23.280 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,24 USD (-0,59%), xuống 40,51 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,31 USD (-0,71%), xuống 43,06 USD/thùng.
Chứng khoán trong nước
VN-Index giảm trở lại
Trong phiên sáng, thị trường chủ yếu lình xình dưới mốc 870 điểm với sự phân hóa trên bảng điện tử và nhóm VN30 chìm trong sắc đỏ.
Bước sang phiên chiều, lực cầu gia tăng VN-Index chạm 875 điểm, nhưng cũng nhanh chóng rồi quay đầu và trở lại trạng thái giao dịch nhàm chán đến khi đóng cửa.
Nhóm Vn30 vẫn có tới 20 mã giảm Trong đó, VIC -1,6%, VHM -1,2%, TCB -1,9%. Ở chiều ngược lại, BID, BVH, SBT, SSI, CTD, PLX tăng nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng chú ý, DAH lập lại sắc tím sau 4 phiên giảm sàn khớp 11,37 triệu đơn vị.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2,05 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 1,21 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 17/7: VN-Index giảm 4,81 điểm (-0,55%), xuống 872,02 điểm; HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,27%) về 115,59 điểm; UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (+0,94%), lên 57,57 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall quay đầu giảm trong phiên thứ Năm (16/7), sau 4 phiên liên tiếp tăng trước đó, khi giới đầu tư tiếp nhận một loạt dữ liệu kinh tế trái chiều.
Các cổ phiếu công nghệ lớn là nhóm có thành quả tốt nhất trong năm nay, khi nhà đầu tư tin rằng mô hình kinh doanh của những Công ty này có thể chịu được sự suy thoái kinh tế vì đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các cổ phiếu công nghệ đã gặp áp lực bán chốt lời trong tuần này với Netflix mất hơn 3%; cổ phiếu Facebook, Amazon, Alphabet và Microsoft cũng đều nhuốm sắc đỏ.
Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp định kỳ hàng tuần tệ hơn so với dự báo với 1,3 triệu đơn, , cao hơn so với dự báo chỉ 1,25 triệu đơn.
Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tăng 7,5% trong tháng 6, vượt qua dự báo tăng 5,2% từ Dow Jones.
Kết thúc phiên 16/7, chỉ số Dow Jones giảm 135,39 điểm (-0,50%), xuống 26.734,71 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,99 điểm (-0,34%), xuống 3.215,57 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 76,66 điểm (-0,73%), xuống 10.473,83 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản không giữ được sắc xanh từ đầu phiên, mà yếu dần và đóng cửa giảm điểm khi sự lây lan của Covid-19 khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi về tốc độ phục hồi nền kinh tế.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,32% xuống 22.696,42 điểm. Chỉ số Topix mất 0,33% xuống 1.573,85 điểm.
Tâm trạng thị trường yếu đi sau khi thủ đô Tokyo thông báo số ca nhiễm mới Covid-19 kỷ lục trong một ngày ở 293 ca.
Hôm nay, nhóm cổ phiếu hàng không đã bị ảnh hưởng nặng nhất với chỉ số phụ theo dõi ngành mất 3,06%, sau khi chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân tránh các chuyến đi không cần thiết tới các tỉnh khác.
Theo đó, ANA Holdings Inc đã giảm 3,64%, trong khi Japan Airlines Co Ltd giảm 2,34%.
Chứng khoán Trung Quốc giằng co và đóng cửa tăng nhẹ, nhưng cả tuần vẫn ghi nhận tuần tệ nhất trong 5 tháng qua, do dữ liệu GDP tốt hơn dự kiến đã khiến sự lo ngại gia tăng về việc chính phủ sẽ giám tốc độ nới lỏng chính sách, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng kỷ lục.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,13% lên 3.214,13 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,63% lên 4.544,70 điểm điểm.
Trong tuần, SSEC giảm 5%, mức giảm mạnh nhất kể từ tuần 28/2, còn CSI300 mất 4,4%, mức tệ nhất kể từ tháng 3.
Đà tăng của chứng khoán Trung Quốc trong những ngày vừa qua đã đẩy vốn hóa thị trường lên gần 10 ngàn tỷ USD, một ngưỡng từng đạt được tại đỉnh điểm của hiện tượng bong bóng chứng khoán 5 năm về trước.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm tỷ trọng sở hữu, bán ròng gần 4 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc đại lục thông qua các kênh liên kết sàn giao dịch trong 3 ngày qua.
Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ, nhưng có mức giảm tệ nhất trong gần 2 tháng qua.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,47% lên 25.089,17 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,69% lên 10.203,57 điểm.
Trong tuần, HSI đã giảm 2,5%, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 22/5, trong khi HSCE mất 3,2%, mức cao nhất kể từ ngày 20/3.
Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục nhẹ, do nhờ tâm trạng thị trường được cải thiện nhờ thu nhập gia tăng ở các công ty CNTT và triển vọng khởi sắc ở ngành sản xuất ô tô.
Kết thúc phiên 17/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 73,94 điểm (-0,32%), xuống 22.696,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,03 điểm (+0,13%), lên 3.214,13 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 118,48 điểm (+0,47%), lên 25.089,17 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 17,43 điểm (+0,80%), lên 2.201,19 điểm.