Thị giá giảm 45%, VNPost được thoái vốn khỏi LienVietPostBank

Ngày 18/11, Ngân hàng Nhà nước đã có chấp thuận đề nghị của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HoSE: LPB) về việc chuyển nhượng hơn 122 triệu cổ phần (8,13%) của cổ đông lớn Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost).
Theo đó, LPB có trách nhiệm tuân thủ quy định giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông, trường hợp phát sinh bên nhận chuyển nhượng trở thành cổ đông lớn của LPB hoặc là nhà đầu tư nước ngoài, LPB có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định.
Ngoài ra, LPB phải phối hợp chặt chẽ với VNPost xây dựng phương án, lộ trình xử lý hệ thống phòng giao dịch bưu điện sau khi VNPost chuyển nhượng cổ phần. Trong đó có phương án quản lý các đơn vị mạng lưới của LPB, đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả.
LPB cũng phải lưu ý cổ đông phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn mua/nhận chuyển nhượng cổ phần tại LPB; không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để nhận chuyển nhượng; không được góp vốn, mua cổ phần của LPB dưới tên cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp uỷ thác theo quy định của pháp luật.
Quyết định này có giá trị thực hiện trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày ký.  
Thi gia giam 45%, VNPost duoc thoai von khoi LienVietPostBank
 
LPB cũng vừa chốt danh sách phát hành hơn 225,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông với tỷ lệ 100:15.
Trên thị trường, cổ phiếu LPB đã trở lại mốc mệnh giá trong phiên ngày 22/11 khi nhiều phiên trước đó biến động khỏi mức này. Tính trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu LPB đã giảm gần 45% với khối lượng giao dịch khá sôi động khi bình quân gần 8 triệu đơn vị được sang tay mỗi phiên. 
Về tình hình kinh doanh, 9 tháng, thu nhập lãi thuần của LPB tăng vọt 44% lên mức 9.128 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 3.842 tỷ đồng, tăng 72% so cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản của LPB tăng hơn 8% lên mức 313.480 tỷ đồng. 
Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 227.944 tỷ đồng, tăng 9% so đầu kỳ; tiền gửi tại các TCTD khác tăng gần 22% khi chiếm 27.328 tỷ đồng; chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán cũng tăng 13% lên mức 43.896 tỷ đồng. 
Trong cơ cấu nợ, tiền gửi của khách hàng ghi nhận tăng 7,3% lên mức 193.533 tỷ đồng. 
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của LPB ở mức 3.190 tỷ đồng, tăng hơn 11% so đầu kỳ. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh 35% khi chiếm 1.808 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 1,37% của đầu kỳ lên 1,4%.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN