So với chuẩn mực Basel II đang được triển khai rộng rãi tại nhiều ngân hàng ở Việt Nam, chuẩn mực Basel III tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn vốn và cải thiện khả năng giám sát và quản lý rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Một trong những cập nhật trọng yếu là 02 chỉ số LCR (Liquidity coverage ratio – Tỷ lệ dự trữ thanh khoản) và NSFR (Net stable funding ratio – Tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng) chính thức được đưa vào khuôn khổ quản trị rủi ro của Basel.
Theo đó, chỉ số LCR hướng tới mục tiêu đảm bảo ngân hàng có đủ tài sản có tính thanh khoản cao để đáp ứng nhu cầu thanh khoản trong 30 ngày, kể cả khi gặp điều kiện bất lợi. Điều này cho phép ban lãnh đạo và cơ quan chủ quản có thời gian để đưa ra các phương án xử lý phù hợp, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực lên ngân hàng cũng như toàn hệ thống tài chính.
Chỉ số NSFR yêu cầu các ngân hàng duy trì một cấu trúc vốn bền vững, hạn chế sự phụ thuộc vào các nguồn vốn tài trợ bán buôn ngắn hạn đối với tất cả các khoản mục tài sản nội và ngoại bảng. Nhờ vậy, các nguồn tài trợ vốn thường xuyên của ngân hàng sẽ được duy trì ổn định hơn, giảm nguy cơ vị thế thanh khoản bị xói mòn dẫn tới khủng hoảng ngân hàng cũng như căng thẳng toàn hệ thống.
Dựa trên sự hỗ trợ từ kinh nghiệm triển khai Basel III của ngân hàng mẹ tại Hàn Quốc và tư vấn của các chuyên gia, Ngân hàng Shinhan đã xây dựng hệ thống tính toán tự động LCR and NSFR từ kho dữ liệu rủi ro tập trung, đồng thời thiết lập hạn mức nội bộ, cũng như tích hợp chỉ số vào cơ chế giám sát rủi ro toàn diện theo tần suất hàng ngày.