Thao túng cổ phiếu FTM, Chủ tịch Lê Mạnh Thường và một cá nhân bị phạt 1,2 tỷ

Hai cá nhân bị xử phạt vì thao túng cổ phiếu FTM trong đó có Chủ tịch HĐQT Lê Mạnh Thường.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa xử phạt tổng cộng 1,2 tỷ đồng hai cá nhân là ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương với hành vi thao túng giá cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân.
Theo đó, ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM.
Được biết, ông Lê Mạnh Thường chính là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Đầu tư và Phát triển Đức Quân.
Trong thông báo phát đi, UBCKNN cho biết, căn cứ kết quả xác minh của Cơ quan công an và kết quả kiểm tra, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của hai cá nhân nêu trên gây ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của hai cá nhân này.
Thao tung co phieu FTM, Chu tich Le Manh Thuong va mot ca nhan bi phat 1,2 ty
Ông Lê Mạnh Thường. 
Bên cạnh đó, UBCKNN xử phạt ông Nguyễn Chí Cường số tiền 30 triệu đồng vì công bố thông tin không đúng thời hạn khi không còn là cổ đông lớn.
Theo đó, ông Nguyễn Chí Cường, cổ đông lớn của FTM sở hữu 2.704.220 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 5,41%. Ngày 09/10/2019, ông Cường bán 862.080 cổ phiếu FTM làm giảm khối lượng (tỷ lệ) sở hữu xuống 1.842.140 cổ phiếu FTM (3,68%) và không còn là cổ đông lớn của Đầu tư và Phát triển Đức Quân.
Đến ngày 10/12/2019, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM mới nhận được công bố thông tin Báo cáo sở hữu không còn là cổ đông lớn của ông Nguyễn Chí Cường.
Còn nhớ, đầu tháng 7/2019, giá cổ phiếu FTM liên tục lao dốc từ mức gần 24.000 đồng/cp xuống còn hơn 3.000 đồng/cp. Hiện cổ phiếu FTM chỉ giao dịch quanh mốc 3.000 đồng/cp.
Tại thời điểm đó, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng đã bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì cho vay margin cổ phiếu FTM. Không chỉ các công ty chứng khoán, không ít nhà đầu tư chịu thiệt hại nặng vì nắm giữ cổ phiếu FTM.
Không có khả năng trả nợ ngân hàng, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Về tình hình kinh doanh 6 tháng 2021, FTM tiếp tục lỗ ròng hơn 94 tỷ đồng chủ yếu do doanh thu không đủ bù đắp chi phí lãi vay và chi phí vận hành, cộng thêm hơn 44 tỷ đồng chi phí khấu hao tài sản cố định và khấu hao lương vượt định mức.

Đáng chú ý, tại báo cáo soát xét bán niên năm 2021 của FTM, kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ đối với khoản lỗ hơn 94 tỷ đồng, các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gần 464 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền gần 233 tỷ đồng. 

Đồng thời, tình hình dịch Covid-18 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Theo đó, kiểm toán cho rằng khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư của Công ty. Vì vậy, các điều kiện này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của FTM.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN