Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với thu nhập lãi thuần đạt 6.585 tỷ đồng, tăng vọt 67% so cùng kỳ. Lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng khá 24% lên hơn 1,457 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng lãi hơn 100 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so mức lỗ hơn 30 tỷ của cùng kỳ.
Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 555 tỷ đồng, gấp 2.4 lần cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng 11% lên 448 tỷ đồng.
Kỳ này, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Techcombank chiếm 598 tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ.
Dù vậy, Techcombank vẫn lãi ròng 4,711 tỷ đồng trong quý 2/2021, tăng mạnh 67% so mức 2.817 tỷ đồng của cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, thu nhập từ lãi đạt 12.708 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 31%, đạt 2.782 tỷ đồng với sự đóng góp từ tất cả các loại hình phí chủ chốt.
Thu nhập phí liên quan tới chứng khoán, cấu phần lớn nhất, tăng trưởng 18%, bao gồm 420 tỷ đồng phí bảo lãnh phát hành trái phiếu và 865 tỷ đồng phí từ các dịch vụ khác – bao gồm phí từ hoạt động ủy thác, tư vấn và đại lý, phí môi giới và phí quản lý quỹ.
Dịch vụ bảo hiểm tăng trưởng 60% về doanh thu khai thác mới. Phí bảo hiểm tăng 48% so với cùng kỳ dù việc tư vấn trực tiếp cho khách hàng chịu ảnh hưởng từ cuối quý 2 do các thành phố lớn thực hiện gia tăng các biện pháp giãn cách xã hội, kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Chi phí hoạt động tăng 29,6% so với cùng kỳ lên 5,153 tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 28,4% do các khoản đầu tư về IT và Marketing ghi nhận độ trễ do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Chi phí dự phòng ở mức 1.448 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, Techcombank báo lãi trước thuế nửa đầu năm tăng 71% so với cùng kỳ, đạt hơn 11,536 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông Ngân hàng mẹ tăng 73%, ghi nhận gần 9,108 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch 19,800 tỷ đồng được đặt ra cho cả năm 2021, Techcombank đã thực hiện được 58% chỉ tiêu sau nửa đầu năm.
Cuối quý 2/2021, tổng tài sản Techcombank đạt 504.304 tỷ đồng, tăng 14,7% so với đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng tại 30/06/2021 đạt 353,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%.
Về huy động vốn, tổng tiền gửi tại ngày 30/06/2021 đạt 289,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 4,3% kể từ đầu năm. Tỷ lệ CASA đạt 46,1% tại thời điểm 30 tháng 06 năm 2021, không thay đổi so với thời điểm cuối năm 2020. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 55,1% trong vòng 12 tháng vừa qua và đạt 133,4 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,4%, thấp hơn mức 0,9% tại quý 2 năm 2020 và duy trì mức 0,4% đã công bố cuối quý 1 năm 2021.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm cuối quý 2/2021 là 259%, tăng so với mức 171% tại thời điểm cuối năm 2020, và 109% tại thời điểm 30/6/2020. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 giảm xuống còn 2,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,8% dư nợ hiện tại. Khoảng 67% số khách hàng trong chương trình này đã hoàn tất hoặc trả một phần nợ tái cơ cấu tính đến hết tháng 6 năm 2021.