Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG – UPCoM) diễn ra cuối tuần (23/5) tại 2 điểm cầu là Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành tại tỉnh An Giang và Văn phòng Sarimi của LTG tại TP.HCM.
Cuộc họp có sự tham gia của 98 cổ đông với hơn 67 triệu cổ phần sở hữu, chiếm 83,2% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Sự kiện đáng chú ý tại ĐHĐCĐ LTG là đại hội đã bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT mới là ông Philipp Rosler, thành viên HĐQT độc lập và bà Nguyễn Thị Ấm, thành viên HĐQT.
Ông Rosler được biết đến là Bộ trưởng Bộ Y tế của Liêng bang Đức năm 2009 và năm 2011 ông trở thành Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ kinh tế và Công nghệ Liên bang Đức. Năm 2016, ông tham gia Ban điều hành của WEF và sau đó trở thành Tổng giám đốc quỹ từ thiện HCCF tại New York.
Ông Philipp Rosler từ nước ngoài đã gửi một đoạn video ngắn giới thiệu bản thân và mong muốn được đóng góp sức lực vào LTG trong thời gian tới. Theo ông, Việt Nam đang có cơ hội lớn trong ngành nông nghiệp khi ký được các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU, ông hy vọng có thể đem lại lợi ích cho Tập đoàn, cho đất nước và con người Việt Nam trong lĩnh vực hết sức quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đó là sản xuất nông nghiệp.
|
Ông Philipp Rosler |
ĐHĐCĐ thông qua thời gian đưa cổ phiếu LTG niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), gia hạn đến năm 2022. Được biết, trước đây, LTG đã lên kế hoạch niêm yết vào năm 2019 nhưng chưa thực hiện được vì tình hình công ty không cho phép.
Ngoài ra, cổ đông LTG đồng ý với tờ trình về bổ sung ngành nghề kinh doanh là sản xuất điện, cụ thể là kinh doanh về lĩnh vực năng lượng mặt trời.
Năm 2020, Lộc Trời đặt kế hoạch 7.352 tỷ đồng doanh thu, giảm 15,6% so với năm 2019, tuy nhiên mục tiêu lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 7,5% từ 335 tỷ lên 360 tỷ đồng. Trong quý I/2020, công ty lỗ 37 tỷ đồng.
Năm nay, LTG lại tiếp tục trích quỹ đầu tư phát triển 20 tỷ đồng cho việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới.
Sau đó, Đại hội đã thông qua nghị quyết để ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT sẽ không kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc kể từ ngày 23/05/2020.
Trong phần thảo luận, cổ đông đặt vấn đề về suy giảm cổ tức hàng năm đâu là nguyên nhân và LTG có biện pháp khắc phục gì không?
Ông Nguyễn Duy Thuận, tân Tổng giám đốc LTG vừa được bổ nhiệm ngày 23/4 trả lời, yếu tố thứ nhất là thị trường thuốc thực vật không tăng vì hiện nay nhiều nơi giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật.
Khi LTG chỉ dừng lại với thị trường thuốc bảo vệ thực vật thì LTG sẽ mãi trong vòng xoáy cạnh tranh về giá. Ngoài ra, điều này sẽ làm các chi phí hoạt động tăng lên bên cạnh nợ phải trả và nợ phải thu đều tăng, dẫn đến tăng nợ vay làm tăng chi phí tài chính.
Vì nhận thức được điều này, LTG rút ra khỏi thị trường này bằng cách tham gia chuỗi cung ứng, hợp lý hóa sản xuất, đặt hàng theo mùa vụ kết hợp với nông dân để tạo thành một chuỗi sản xuất từ cung ứng cho tới sản xuất, cho tới đặt hàng. Và động thái này đã cho ra kết quả với mảng nông nghiệp có dòng tiền dương trong đầu năm 2020. Đây sẽ là cơ sở để LTG cải thiện được vấn đề lợi nhuận suy giảm.
Thứ hai là nếu LTG chỉ dừng lại ở việc phát triển ngành vật tư nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 30% tổng giá trị doanh thu của ngành nông nghiệp nói chung thì không hiệu quả. Nếu LTG tham gia vào chuỗi sản xuất của bà con nông dân thì doanh thu sẽ đạt được 1 tỷ USD năm 2024, bên cạnh đó LTG sẽ không bị cuốn vào vòng xoáy công nợ.
Ông Thuận cho rằng, vốn hóa công ty suy giảm liên quan lớn đến chuyện cổ đông, nông dân và nhân viên của Tập đoàn không nhận ra sức mạnh của Tập đoàn. Sức mạnh tổng hợp của LTG đến từ nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu được thể hiện qua các giải thưởng về chất lượng sản phẩm của LTG khi tham gia các cuộc thi trên thế giới.
LTG có lợi thế về mặt tri thức nông nghiệp và đặc biệt là có thể xử lý dữ liệu lớn về ngành nông nghiệp, hay còn gọi là big data. Những điều này các cổ đông và các nhà đầu tư tài chính không nhìn thấy được cũng như không nhìn thấy được tương lai của LTG.
Tập đoàn sẽ cố gắng thúc đẩy quan hệ với các nhà đầu tư chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, các đối tác ký kết hợp đồng 3 năm với công ty cam kết sẽ đưa các nhà khoa học nước ngoài đến Việt Nam để phát triển những ứng dụng phù hợp với nước ta.
LTG cũng đảm bảo được năng suất sản xuất của bà con nông dân nhằm xây dựng niềm tin trong nông dân. Tất cả điều này góp phần làm doanh thu và chi phí của LTG sẽ được đảm bảo, vốn hóa của LTG sẽ tăng lên với sự tin tưởng của thị trường đối với khả năng kinh doanh.
Khi được hỏi về khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng trong năm nay, ông Thuận nói: "HĐQT là người đại diện của cổ đông và yêu cầu tất cả mọi người trong Công ty cùng phối hợp với bà con nông dân để đạt được kế hoạch kinh doanh và các cổ đông nên tin tưởng vào năng lực và sứ mệnh của LTG sẽ đạt được. Việc đặt ra chỉ tiêu doanh thu 1 tỷ USD năm 2024 là chỉ tiêu HĐQT chưa hài lòng. Mục tiêu này quá khiêm tốn, nếu không đạt được 1 tỷ USD thì chúng tôi không làm HĐQT nữa.
Cơ sở để đạt được điều này là LTG tiến hành quy hoạch tất cả các dịch vụ có thể làm được với bà con nông dân, dựa trên cơ sở không vì lợi nhuận, như anh Thòn đã nhấn mạnh nhiều lần, LTG luôn nghiên cứu và ứng dụng để giảm thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh trên từng đơn vị diện tích.
LTG bỏ ra 15 tỷ đồng để mua máy bay phun thuốc trừ sâu và cho ra kết quả sau khi đưa vào sử dụng là tăng hiệu quả sử dụng và giảm tối thiểu 30% lượng thuốc sử dụng trên đồng ruộng. Nếu sử dụng đồng bộ thì 1 năm trên Đồng bằng sông Cửu Long, có thể giảm được 1 triệu tấn hóa chất đổ xuống đồng ruộng. LTG bỏ ra 8 tỷ đồng để ứng dụng SRP100 nhằm giảm lượng nước sử dụng trên từng hecta lúa. Với năng lực của LTG có thể đạt được kế hoạch kinh doanh này".