Tập đoàn FLC sau 10 năm: Quy mô 'voi', lợi nhuận 'chuột nhắt' (bài 1)

Kể từ ngày thành lập đến nay đã đủ thập kỷ (10 năm), so với thời điểm chập chững thì giờ đây công ty của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã to lớn. Nhưng đằng sau sự to bự khổng lồ đó là 'chú chuột nhắt lợi nhuận'.

Tiền thân Tập đoàn FLC là Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune được thành lập năm 2008.

Công ty Trường phú Fortune được thành lập với số vốn ban đầu là 18 tỷ đồng và được chuyển đổi thành CTCP từ ngày 09/12/2009 sau đó đổi tên thành CTCP FLC vào ngày 20/01/2010.

Đến ngày 22/11/2010, CTCP FLC được đổi tên thành CTCP Tập đoàn FLC và giữ nguyên tên gọi này từ đó đến nay.

Con đường vốn điều lệ từ 18 tỷ đồng lên gần 7.100 tỷ đồng

Từ số vốn điều lệ 18 tỷ đồng ban đầu, ngày 8/2/2010, Tập đoàn FLC thông qua phương án phát hành riêng lẻ và đến 28/3/2010, vốn điều lệ của Tập đoàn chính thức tăng lên 100 tỷ đồng.

Qua nhiều năm, tháng 8/2016, Tập đoàn FLC hoàn tất đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tổng số tiền thu về là 1.082 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 6.380,4 tỷ đồng.

Trong năm 2018, qua 2 lần chi trả cổ tức với tỷ lệ 11%, Tập đoàn FLC đã nâng vốn điều lệ lên gần chạm 7.100 tỷ đồng, cao gấp 394 lần kể từ ngày mới thành lập. Đến nay, vốn điều lệ của Tập đoàn vẫn đạt gần 7.100 tỷ đồng.

Tap doan FLC sau 10 nam: Quy mo 'voi', loi nhuan 'chuot nhat' (bai 1)
 

Gần đây, Tập đoàn FLC có dự định phát hành gần 300 triệu giá 10.000 đồng/cp, cao hơn rất nhiều so với thị giá. Tổng giá trị của đợt phát hành ước tính gần 3.000 tỷ đồng.

Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Tập đoàn FLC sẽ tăng từ khoảng 7.100 tỷ đồng hiện nay lên thành 10.100 tỷ đồng, tương ứng với hơn 1 tỷ cổ phiếu lưu hành.

Thế nhưng Tập đoàn đã huỷ bỏ phương án này vì diễn biến thị trường không thuận lợi. Trong quá khứ, đợt phát hành năm 2016 khá tương đồng với đợt phát hành dự kiến này của FLC vì giá chào bán đều là 10.000 đồng/cp và đều cao hơn nhiều so với thị giá.  

Tài sản cùng vay nợ tăng như thổi

Trong 10 năm, tổng tài sản của Tập đoàn FLC tăng nhanh chóng, từ mức tài sản chỉ gần 19 tỷ đồng của năm 2009, đến ngày 30/9/2019 giá trị tài sản đã gấp 1.536 lần với giá trị ban đầu, ghi nhận hơn 29.111 tỷ đồng.

Song song với việc tăng khủng trong tài sản, tổng nợ vay của Tập đoàn cũng tăng. Năm 2009, Tập đoàn không sử dụng nợ vay, đến năm 2010 giá trị nợ vay chỉ gần 1 tỷ đồng. Sau 10 năm, gánh nặng nợ vay đè nặng lên Tập đoàn, với giá trị hơn 6.000 tỷ đồng (tại ngày 30/9/2019).

Cơ cấu nợ vay của Tập đoàn cũng có sự chuyển dịch từ sử dụng nợ vay ngắn hạn (trước năm 2013) sang nợ vay dài hạn.

Tap doan FLC sau 10 nam: Quy mo 'voi', loi nhuan 'chuot nhat' (bai 1)-Hinh-2
 

Nguồn vốn vay được “bơm” từ 12 tổ chức tín dụng trong và ngoài nước cấp vốn cho nhóm công ty của Tập đoàn FLC. Đơn cử, tại BIDV, Ngân hàng Quốc Dân (NCB), Phương Đông (OCB), PVcombank, SHB…

Ngoài ra, FLC còn được Credit Suisse AG (Singapore) cho vay với dư nợ cuối kỳ 697 tỷ đồng và vay 120 tỷ đồng từ Ngân hàng Công thương Trung Quốc.

Tập đoàn FLC hiện đối mặt với gánh nặng nợ “khủng” lên tới 6.000 tỷ đồng tính đến cuối quý 3/2019, trong đó hơn 47% là nợ ngắn hạn, đòi hỏi khả năng xoay sở vốn trả nợ.

Điều đáng ngại là lợi nhuận của Tập đoàn FLC liên tục đi xuống vài năm qua, không mấy tương xứng với số quy mô “voi” hiện nay.

Tap doan FLC sau 10 nam: Quy mo 'voi', loi nhuan 'chuot nhat' (bai 1)-Hinh-3
 

Lợi nhuận thu về chẳng thấm gì so với số vốn được bơm

Năm 2016 là năm Tập đoàn FLC thu về kết quả kinh doanh khá ấn tượng, đạt mốc hơn 1.000 tỷ đồng.

Kể từ năm này, bất động sản trở thành nguồn thu chính với các dự án được mở bán và tiền thu từ cho thuê phòng nghỉ tại các dự án khách sạn. Năm 2016, doanh thu từ bất động sản chiếm 60% tổng doanh thu, năm 2017 cũng xấp xỉ 50%.

Cũng vì doanh thu chính từ bất động sản (phụ thuộc vào tiến độ công trình, chu kỳ ghi nhận doanh thu, thời điểm bàn giao,…) nên năm 2017, Tập đoàn FLC báo lợi nhuận giảm sốc, chưa bằng 40% của năm trước.

Cuối năm 2018, công ty của tỷ phú Trịnh Văn Quyết còn lấn sân sang hàng không nên kết quả kinh doanh ban đầu chưa mấy khả quan kéo theo năm kinh doanh có phần giảm sút.  

Theo kết quả kinh doanh trong 9 tháng rồi, doanh thu thuần và lãi sau thuế của Tập đoàn FLC lần lượt đạt hơn 11.411 tỷ đồng và 89 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, doanh thu thuần tăng 50% và lãi sau thuế giảm hơn 52%.

Lãnh đạo Tập đoàn thừa nhận nguyên nhân chính ảnh hưởng tới lợi nhuận kỳ vừa qua là do lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, Tập đoàn FLC vừa có thêm hãng hàng không Bamboo Airways và theo thông tin trên Tri Thức Trẻ/Cafef, hãng đang tạm thời chịu lỗ do mới vận hành 10 máy bay, nhưng đang nuôi đội ngũ tương đương với 30 máy bay, để sẵn sàng mở rộng trong năm sau.

Tap doan FLC sau 10 nam: Quy mo 'voi', loi nhuan 'chuot nhat' (bai 1)-Hinh-4
 

Cổ phiếu FLC sau 6 năm chào sàn HOSE: Lúc tăng sâu, lúc giảm sốc

Sau hơn 6 năm giao dịch trên sàn HOSE, cổ phiếu FLC đã mang lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư qua những phiên giảm sâu, tăng sốc. Kết phiên 11/11, thị giá của cổ phiếu FLC là gần 4.500 đồng/cp, giảm 32% so với ngày đầu chào sàn HOSE (14.000 đồng/cp ngày 6/8/2013).

Diễn biến những ngày gần đây của cổ phiếu FLC khiến nhà đầu tư không thể nào không để ý, cổ phiếu FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết tăng trần liên tiếp 6 phiên từ ngày 14/10 đến 21/10.

Đây là chuỗi tăng trần dài nhất lịch sử giao dịch của cổ phiếu FLC từ khi chào sàn HOSE vào năm 2013. Nếu tính cả quãng thời gian FLC giao dịch ở HNX thì đây là chuỗi dài thứ hai, chỉ sau thành tích 7 phiên liên tiếp vào tháng 10/2012.

Trong lịch sử, cổ phiếu FLC từng ghi nhận kỉ lục với chuỗi 7 phiên tăng trần liên tiếp vào tháng 10/2012 từ mức giá 5.100 đồng lên 7.200 đồng/cp. Tương tự như thời điểm hiện tại, việc tăng trần của cổ phiếu FLC giai đoạn này cũng chỉ là hồi phục trong xu hướng giảm giá.

Ngay trước chuỗi tăng trần, Tập đoàn FLC thông báo dự kiến chào bán gần 300 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp để thực hiện các dự án của tập đoàn, đầu tư vào các công ty con và bổ sung vốn lưu động.

Sau 6 phiên tăng trần và tưởng chừng như đang băng băng tiến về mệnh giá thì cổ phiếu FLC đột ngột giảm sàn trong phiên 22/10 và rồi tiếp tục nằm sàn phiên 23/10, khiến nhà đầu tư hụt hẫng.

Tap doan FLC sau 10 nam: Quy mo 'voi', loi nhuan 'chuot nhat' (bai 1)-Hinh-5
 Cổ phiếu FLC từ ngày đầu lên sàn HoSE.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN

Nguyễn Văn Quang
"Cổ phiếu FLC sau 6 năm chào sàn HOSE: Lúc tăng sâu, lúc giảm sốc"