Sừng tê giác, ngà voi lũ lượt "đáp máy bay" về Việt Nam

Tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã tiếp tục diễn biến phức tạp...
Một báo cáo mới đây từ Bộ Tài chính cho biết, tính từ 1/10/2016 đến 30/9/2017, toàn ngành hải quan Việt Nam đã phát hiện và bắt giữ 62 vụ, khởi tố 15 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã qua biên giới.
Còn nếu tính riêng từ đầu năm 2017, đến nay toàn ngành đã bắt giữ 42 vụ, trong đó có 4 vụ ngà voi, 6 vụ sừng tê giác, 10 vụ tê tê sống và vẩy tê tê.
Năm 2017, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm tiếp tục có diễn biến phức tạp, trên cả ba tuyến đường biển, đường bộ và đường hàng không, Bộ Tài chính cho hay.
Trên tuyến hàng không, nhiều vụ việc được phát hiện sử dụng thủ đoạn tinh vi, nổi bật trong số đó là các vụ vận chuyển trái phép ngà voi và sừng tê giác.
Sung te giac, nga voi lu luot "dap may bay" ve Viet Nam
 
Các đối tượng chủ yếu mua bán ngà voi, sừng tê giác tại châu Phi, sau đó vận chuyển bằng đường hàng không về Việt Nam để buôn bán, vận chuyển trái phép sang các nước lân cận. Phương thức chủ yếu là đựng trong hành lý không có người nhận, gửi trong hàng hoá qua đường chuyển phát nhanh và đựng trong hành lý xách tay của hành khách xuất nhập khẩu, tên hàng khai báo chung chung.
Trên tuyến đường bộ, động vật hoang dã từ châu Phi và một số quốc gia khác được vận chuyển qua Lào, Campuchia sau đó vận chuyển vào Việt Nam bằng đường bộ. Từ Việt Nam, động vật hoang dã được tiếp tục vận chuyển lậu qua các đường mòn, đường tắt sang Trung Quốc.
Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là chia nhỏ, cất giấu động vật hoang dã và sản phẩm động vật hoang dã như ngà voi, vẩy tê tê, xương hổ, rắn, rùa, cầy, cáo các loại… trong hàng hoá nông sản xuất khẩu, trong hành lý, trong người hoặc trên phương tiện vận tải để vận chuyển qua cửa khẩu, lối mở, đường mòn biên giới.
Đặc biệt, một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong chính sách quản lý đối với các loại hình kinh doanh trong hoạt động xuất nhập khẩu như tạm nhập - tái xuất, quá cảnh… để buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này.
Trên tuyến đường biển, thủ đoạn phổ biến được dùng là lợi dụng các ưu đãi trong chính sách xuất nhập khẩu, hàng hoá, lợi dụng việc chuyển tải tại cảng trung chuyển nước ngoài để tạo mới chứng từ, che giấu cảng xếp hàng gốc.
Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo các lực lượng chuyên trách tăng cường đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và đã phối hợp bắt giữ được nhiều vụ việc lớn, phức tạp.
Tuy nhiên, từ thực tế, Bộ Tài chính nhận thấy vẫn có những khó khăn, vương mắc từ những quy định của pháp luật.
"Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền và tịch thu hàng hoá vi phạm thì thẩm quyền của đội, hải đội chỉ được tịch thu tang vật vi phạm có giá trị không quá 25 triệu đồng đối với cá nhân và 50 triệu đồng với tổ chức trong khi thực tế hầu hết các vụ bắt giữ của hải quan có giá trị hàng vi phạm cao hơn, 100 triệu đồng", theo Bộ Tài chính.
Ngoài ra, quy định làm thủ tục hàng hoá tạm nhập tái xuất chưa ràng buộc được trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp, chưa quy được trách nhiệm pháp lý với người vận chuyển, không xử lý được chủ thể vi phạm là người nước ngoài nên chưa hạn chế vi phạm…
Theo Vneconomy

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN