Sự trở lại đầy ngoạn mục của cổ phiếu 'vua'

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh và trở thành trụ đỡ mạnh để thị trường không rơi sâu trong phiên giao dịch đầy cảm xúc 3/11.
Cổ phiếu "vua" kết phiên hứng khởi trong phiên giao dịch 3/11 như OCB (+6,9%), LPB (+6,8%) tăng trần, HDB (+6,2%), MSB (+6,2%), STB (+4,7%), TCB (+4,1%), VIB (+3,3%).
Hai mã ngân hàng OCB và LPB gây chú ý nhất khi tăng kịch trần lên lần lượt mức 28.800 đồng/cp và 22.850 đồng/cp. Cổ phiếu OCB vẫn tăng giá tích cực trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 31,2 tỷ đồng trong phiên. Đồng thời thanh khoản của cổ phiếu này cũng tăng lên mức kỷ lục hơn 18,3 triệu đơn vị.
Trong khi đó, thanh khoản của LPB cũng tăng vọt lên gần 21,6 triệu đơn vị, cao nhất trong gần 3 tháng trở lại.
Cổ phiếu HDB có thời điểm trong phiên cũng đã chạm trần tại mức 27.350 đồng/cp, tuy nhiên, đà bán cuối phiên đã khiến giá cổ phiếu này điều chỉnh xuống còn 27.200 đồng/cp (tăng 6,2%).
Trên thị trường UPCoM, hai mã ngân hàng là PGB và NAB cũng ghi nhận sự thăng hoa cả về giá lẫn thanh khoản.
Kết thúc phiên, cổ phiếu NAB tăng 8,2% lên 22.400 đồng/cp, khối lượng giao dịch đật gần 1,7 triệu đơn vị, cao nhất kể từ khi cổ phiếu lên sàn hồi tháng 10 năm ngoái. Trong khi đó, cổ phiếu PGB tăng 7,9% lên 26.000 đồng/cp, khối lượng giao dịch đạt gần 1 triệu đơn vị, cao nhất trong gần nửa năm.
Giá trị giao dịch của các cổ phiếu TCB, STB thực sự làm nhà đầu tư như được sống lại giai đoạn thị trường bùng nổ vào tháng 7. TCB đạt tới 2.118 tỷ đồng còn STB cũng đạt 1.129 tỷ đồng.
Su tro lai day ngoan muc cua co phieu 'vua'
 Cả nhóm ngân hàng xanh ngắt phiên 3/11.
Trong báo cáo chiến lược công bố đầu tháng 10, một số công ty chứng khoán có uy tín đều đưa ra nhận định tích cực rằng, cổ phiếu ngân hàng sau khi điều chỉnh giảm 20 - 30% từ đỉnh để về mặt bằng giá hợp lý hơn nên sau thời gian tích lũy sẽ tăng trở lại.
Những báo cáo này có ảnh hưởng đến thị trường khi một số cổ phiếu ngân hàng đã có mức tăng 5 - 7% từ vùng giá đáy tích lũy trong tuần đầu tháng 10.
Nhưng mức tăng không đồng đều và đà tăng đã sớm chùng xuống cho thấy thị trường đang được dẫn dắt bởi lực cầu của nhà đầu tư trong nước, còn ngần ngại với đà tăng của dòng cổ phiếu ngân hàng.
Theo Chứng khoán VNDirect, các nhà đầu tư đều lường trước rằng lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2021 sẽ bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 thứ tư và do đó sẽ sớm chuyển sự chú ý sang triển vọng kinh doanh trong năm 2022. Khi đó, ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu nhất cho sự hồi sinh của kinh tế Việt Nam.
Giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm tới 15% kể từ đỉnh. Sự điều chỉnh giá này đã phản ánh phần nào những rủi ro giảm giá liên quan đến làn sóng Covid-19 thứ tư. Do đó, mức độ rủi ro/lợi nhuận của ngành ngân hàng hiện đã khá hấp dẫn.
VNDirect ưa thích những ngân hàng có các đặc điểm sau: có khả năng đẩy mạnh tín dụng, hoặc có khả năng để nâng cao tỷ trọng thu nhập ngoài lãi; chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào.
Trong bối cảnh cạnh tranh tiền gửi ít gay gắt hơn và thanh khoản dồi dào, ưu tiên các ngân hàng có khả năng thúc đẩy cho vay cá nhân để có được lợi suất tài sản tốt hơn. VCB, TCB và ACB là những lựa chọn hàng đầu trong lĩnh vực này
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN