Sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa: Tiềm ẩn rủi ro mất vốn

Theo báo cáo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc quản lý, sử dụng quỹ từ thoái vốn cổ phần hóa cũng còn một số bất cập như tại SBIC và Vinafood 2 tiềm ẩn rủi ro mất vốn.

Chiều 9/9, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Trưởng Đoàn công tác Vũ Hồng Thanh cho biết, cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp liên tục được hoàn thiện trên cơ sở bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước theo từng thời kỳ.

SBIC và Vinafood 2 sử dụng Quỹ vào hoạt động kinh doanh nhưng thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn

Tuy nhiên, cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp bị điều chỉnh bởi nhiều nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thiếu sự thống nhất, một số văn bản dưới luật trái với quy định của Luật.

Điều này đã gây khó khăn cho một số số địa phương trong quản lý, sử dụng nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa.

Cũng theo báo cáo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc quản lý, sử dụng quỹ cũng còn một số bất cập.

Điển hình như trường hợp Tổng Công ty Tàu thủy (SBIC) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) sử dụng Quỹ vào hoạt động kinh doanh nhưng thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn.

Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa để tăng vốn điều lệ 21 tỷ đồng nhưng chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính chưa kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc quyết toán và chuyển số dư về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng Công ty năm 2017; từ năm 2018 đến tháng 6/2019 chưa tổng hợp được số liệu chính thức về số dư Quỹ để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Su dung nguon thu tu thoai von, co phan hoa: Tiem an rui ro mat von
SBIC và Vinafood 2 sử dụng Quỹ vào hoạt động kinh doanh nhưng thua lỗ, tiềm ẩn rủi ro mất vốn. 

Chưa có chế tài đủ mạnh buộc các doanh nghiệp nộp tiền về Quỹ theo quy định, dẫn đến nhiều khoản nợ đọng kéo dài

Bên cạnh đó, nội dung chi chuyển về ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội chưa được quy định cụ thể tại Quy chế quản lý Quỹ này.

Các nội dung chi cho hỗ trợ sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng chưa được quy định cụ thể tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (Luật số 69/2014/QH13) mà mới chỉ được quy định tại Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp còn nhiều bất cập: Chưa có chế tài đủ mạnh để buộc các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc nộp tiền về Quỹ theo quy định, dẫn đến nhiều khoản nợ đọng kéo dài.

Việc thu hồi còn nhiều khó khăn do các đối tượng chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm trả nợ, đối tượng nợ bao gồm cả cá nhân là người nghèo mua cổ phần trả chậm theo quy định trước đây; nhiều đối tượng nợ là doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản hoặc tình hình tài chính khó khăn nên chậm trả nợ...

Đặc biệt là việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc kiểm tra, giám sát, chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời chế độ thu nộp, chế độ báo cáo về Quỹ.

Theo đó, Đoàn Công tác cho rằng không cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vì các quy định liên quan đến vấn đề đã được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, Đoàn Công tác đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thời gian qua.

Đồng thời rà soát, sửa đổi các văn bản dưới luật bảo đảm việc thực hiện đúng, đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Theo đó các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện nộp ngân sách nhà nước.

Các khoản chi cho hỗ trợ sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, bổ sung vốn nhà nước tại doanh nghiệp do NSNN bố trí.

Xử lý dứt điểm kiến nghị của các địa phương (Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh…) về quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Tóm lại, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần phải hiểu đúng Nghị quyết của Trung ương, đó là quy định thu ngân sách tập trung, không đưa vào ngân sách chi thường xuyên, nhưng dành một phần cho chi đầu tư, phát triển.

Hiến pháp đã quy định rất rõ tất cả các khoản thu của Nhà nước phải được đưa vào ngân sách Nhà nước, tất cả khoản chi của Nhà nước phải được dự toán và chi theo dự toán.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, không cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thậm chí không cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần phải quản lý theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, không thể để ngoài ngân sách và thành lập Nghị quyết này.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN