SSI Research đặt target cho GMD chỉ 84.000 đồng/cổ phiếu

Dựa trên các ước tính điều chỉnh cho năm 2024 và 2025, SSI nâng giá mục lên 84.000 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu của GMD. 
Trong Q2/2024, doanh thu của GMD đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ - svck), phù hợp với ước tính của SSI, trong đó, mảng cảng chiếm phần lớn tổng doanh thu (986 tỷ đồng, tăng 44% svck). Mức doanh thu ấn tượng này đạt được nhờ sản lượng qua cảng cao hơn ở cả miền Bắc và miền Nam.
Sản lượng cải thiện là động lực thúc đẩy tăng trưởng chính: Sản lượng từ khu vực Hải Phòng (cảng Nam Đình Vũ) tăng 15% svck đạt 305 nghìn TEU trong Q2/2024, trong khi sản lượng Gemalink đạt 380 nghìn TEU (tăng 48% svck) nhờ xuất khẩu phục hồi tại cả thị trường Châu Âu và thị trường Hoa Kỳ, và sản lượng bổ sung từ các dịch vụ phát sinh từ Singapore do tình trạng tắc nghẽn (SSI ước tính khoảng 100-150 nghìn TEU phát sinh từ Singpaore).
SSI Research dat target cho GMD chi 84.000 dong/co phieu
 
Với sản lượng hiện tại, cả Nam Đình Vũ và Gemalink đều đang hoạt động tối đa công suất (1,2 triệu TEU cho Nam Đình Vũ và 1,5 triệu TEU cho Gemalink mỗi năm).
Thu nhập từ công ty liên kết tăng đáng kể 210% svck đạt 182 tỷ đồng, nhờ: LNTT của SCS tăng 44% svck từ việc phục vụ khách hàng lớn mới (Qatar Airways) và tỷ trọng đóng góp LNTT của Gemalink vào công ty mẹ cải thiện nhờ sản lượng cao hơn trong năm nay (Gemalink hiện đang được hạch toán hợp nhất theo phương pháp VCSH). Gemanlink ước tính đóng góp 150 tỷ đồng LNTT trong nửa đầu năm 2024 (đây là mức thay đổi đáng kể so với mức lỗ nhẹ trong năm trước).
Với các điểm cải thiện kể trên, GMD đã công bố LNTT hợp nhất đạt 511 tỷ đồng (-73% svck). Nếu loại trừ khoản lãi bất thường từ việc thoái vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ 1,8 nghìn tỷ đồng trong Q2/2023, LNTT Q2/2024 của GMD tăng 33% svck và LNTT lõi trong nửa đầu năm 2024 tăng 27,5% svck, phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi nửa đầu năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh trước khi quay về mức bình thường từ nửa cuối năm 2024.
Cập nhật ngành
Trong 7 tháng đầu năm 2024, SSI nhận thấy xuất/nhập khẩu phục hồi đã giúp sản lượng tăng trưởng mạnh qua hệ thống cảng của cả nước. Cụ thể, cụm cảng Hải Phòng ở miền Bắc có tổng sản lượng container đạt 4,1 triệu TEU (tăng 20% svck), cao hơn mức tăng trưởng 7,8% svck trong 7T2022.
Ở khu vực miền Nam, theo dữ liệu của Hiệp hội Cảng Việt Nam, sản lượng qua khu vực TP. HCM và Cái Mép đạt 7,7 triệu TEU, tăng 24% svck. Điều này phù hợp với giả định của SSI về mức tăng trưởng sản lượng của ngành sẽ đạt mức cao nhất trong nửa đầu năm 2024.
Về phía cung, khả năng tăng trưởng của ngành khá chậm, do SSI không nhận thấy có nhiều dự án mới sẽ được triển khai, đặc biệt là ở khu vực miền Nam. Trong khi đó, có hai dự án mới đang chờ triển khai gồm: cảng nước sâu Cái Mép Hạ và Cần Giờ, tuy nhiên, các dự án này có thể sẽ không bắt đầu xây dựng trong thời gian tới vì vẫn đang ở giai đoạn bước đầu chuẩn bị và việc đấu thầu cho các nhà đầu tư cũng chưa được thực hiện.
Do đó, SSI cho rằng Gemalink (GMD) là cảng duy nhất có khả năng tăng công suất trong giai đoạn 2026-2028, giúp GMD trở thành công ty duy nhất tận dụng được mức tăng trưởng sản lượng trong cụm cảng nước sâu Cái Mép.
Ở khu vực miền Bắc, Nam Đình Vũ 3 (của GMD) dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào Q2/2025, đóng góp khoảng 800 nghìn TEU công suất (khoảng 10% tổng công suất khu vực), và SSI cũng dự kiến bến cảng Lạch Huyện 3+4 (PHP là doanh nghiệp khai thác cảng) sẽ đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2024, bổ sung 1,2 triệu TEU công suất cho khu vực trong phân khúc cảng nước sâu.
Lạch Huyện 5+6 (công ty tư nhân HATECO là đơn vị khai thác) dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026, bổ sung khoảng 1,2-1,5 triệu TEU cũng trong phân khúc cảng nước sâu.
Vào cuối năm 2026, khu vực Hải Phòng dự kiến sẽ có khoảng 3,6-3,9 triệu TEU công suất cảng nước sâu (tương đương khoảng một nửa công suất cảng feeder hiện tại) và sẽ cạnh tranh với những cảng feeder lân cận, đẩy cạnh tranh quanh khu vực Hải Phòng ngày càng gay gắt hơn.
SSI lưu ý rằng tất cả các dự án này đã được phê duyệt 2-3 năm trước, và kể từ đó chưa thấy có thêm bất kỳ dự án mới nào được phê duyệt cho khu vực Hải Phòng.
Công ty chứng khoán này cho rằng giá cước tại cảng miền Nam sẽ có nhiều tích cực hơn (như cảng Cái Mép) so với khu vực miền Bắc trong vài năm tới do tăng trưởng nguồn cung thấp hơn, đo đó, chúng tôi giả định GML có thể tăng thêm 10% giá cước bình quân trong năm 2025.
Trong khi SSI duy trì giả định nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi và nền kinh tế của Việt Nam sẽ không suy thoái nghiêm trọng, các thị trường xuất khẩu chính (Mỹ) có nguy cơ suy thoái trong năm 2025 do báo cáo việc làm gần đây của Mỹ và sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, SSI chưa nhận thấy dấu hiệu suy yếu nào, khi tăng trưởng sản lượng tháng 7 vẫn đạt khoảng 20% svck. Do đó, SSI cho rằng các dữ liệu sắp tới sẽ rất quan trọng.
Kế hoạch tăng vốn và tác động
Công ty đã ban hành nghị quyết HĐQT về kế hoạch tăng vốn sau khi kế hoạch được thông qua tại ĐHCĐ thường niên. Công ty quyết định thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 33,33% thông qua phát hành quyền mua cổ phiếu (tỷ lệ 3:1), với giá phát hành là 29.000 đồng/cổ phiếu (chiết khấu khoảng 63% so với giá thị trường hiện tại).
Tổng số tiền thu được theo kế hoạch (3 nghìn tỷ đồng) dự kiến sẽ được sử dụng để mua 3 tàu 1800 TEU (giá mới hiện tại là 29 triệu USD/tàu), 2 cần cẩu STS, 7 xà lan 250 TEU cũng như để trả nợ và tăng vốn điều lệ của Nam Đình Vũ.
Giả sử GMD phát hành thành công và thực hiện theo kế hoạch này, SSI cho rằng đây có thể là một thay đổi chiến lược đối với mô hình kinh doanh của công ty. Trước đây, sau một vài năm hoạt động không thành công ở mảng vận tải biển, GMD đã thu hẹp quy mô và bán gần 50% công ty con- GMD Shipping cho CJ.
SSI Research dat target cho GMD chi 84.000 dong/co phieu-Hinh-2
 
Sau đó, SSI thấy rằng ngành vận tải biển đã phục hồi với mức giá cước cao hơn do môi trường địa chính trị hiện tại khiến các tuyến đường vận tải dài hơn và làm giảm năng lực của ngành vận tải biển.
"Chúng tôi tiếp tục giả định mức giá cước vận tải container cao như hiện tại sẽ quay về mức bình thường vào năm 2025 và khả năng giá cước neo cao tiếp tục kéo dài do số lượng và mức độ gia tăng của các cuộc xung đột hiện tại. Nếu đúng như diễn biến như vậy, thì kế hoạch đầu tư vào 3 tàu container của GMD là rất hợp lý", SSI phân tích.
Để đánh giá đầy đủ tiềm năng của kế hoạch này đối với lợi nhuận của GMD, SSI sẽ cần thêm thông tin về thời gian đầu tư và kế hoạch kinh doanh sau đầu tư. Tuy nhiên, SSI tin rằng với giá tàu hiện tại (khoảng 29 triệu USD/tàu trọng tải 1.800 TEU), rủi ro cho khoản đầu tư này là khá thấp.
Triển vọng năm 2024 - 2025
Công ty chứng khoán này duy trì các giả định hiện tại về nền kinh tế, ngành và công ty như báo cáo trước đây liên quan đến tăng trưởng sản lượng và giá cước. SSI điều chỉnh tăng sản lượng Gemalink thêm 200 nghìn TEU (+15% so với dự báo trước đó) để phản ánh sản lượng trung chuyển gần đây từ tình trạng tắc nghẽn cảng tại Singapore, SSI cho rằng tình trạng này sẽ giảm dần vào Q3/2024.
Do đó, SSI điều chỉnh tăng ước tính tổng sản lượng qua cảng của GMD lên 3,6 triệu TEU (+28% svck) trong năm 2024 và duy trì ước tính sản lượng 4 triệu TEU (+10% svck) cho năm 2025. Tiếp tục duy trì giả định giá cước, khi giá cước tại Hải Phòng sẽ tương đối ổn định trong khi giá cước tại khu vực Cái Mép ước tính tăng 10%/năm trong năm 2024-2025.
Giả định Gemalink 2A sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2026 (thay vì năm 2025 như giả định trước đó) trong khi Nam Định Vũ 3 vẫn dự kiến bắt đầu hoạt động từ Q2/2025. Điều này làm giảm chi phí khấu hao và tăng lợi nhuận của Gemalink trong năm 2025. SSI cũng điều chỉnh tăng lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn cảng Nam Hải từ 200 tỷ đồng lên 340 tỷ đồng.
Theo đó, SSI điều chỉnh tăng 16% ước tính LNTT cho năm 2024 và 2025 sẽ lần lượt đạt 2,1 nghìn tỷ đồng (-32% svck, +46% svck đối với lợi nhuận lõi) và 2,2 nghìn tỷ đồng (+2,1% svck, +15% svck đối với lợi nhuận lõi). SSI ước tính lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (NPATMI) năm 2024 và 2025 lần lượt đạt 1,33 nghìn tỷ đồng (-39% svck) và 1,36 nghìn tỷ đồng (+0,8% svck).
Định giá và khuyến nghị đầu tư
Ở mức giá hiện tại, GMD đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2025 là 20x, mức này khá cao và chỉ thấp hơn mức P/E năm 2021 là 25x. Theo quan điểm của Phòng phân tích công ty Chứng khoán SSI, mức định giá hiện tại đã phản ánh đà tăng trưởng 12-15%/năm về lợi nhuận dài hạn của GMD trong 5 năm tới khi công ty lấp đầy công suất hiện tại. Tuy nhiên, mức định giá này chưa phản ánh tiềm năng tăng giá từ các dự án mới (như đầu tư cảng mới/tàu mới).
Dựa trên các ước tính điều chỉnh cho năm 2024 và 2025, SSI nâng giá mục lên 84.000 đồng/cổ phiếu (từ 77.000 đồng/cổ phiếu) và duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu của GMD.
SSI cho rằng, GMD là cổ phiếu luôn có diễn biến vượt trội hơn khi thị trường điều chỉnh do tính ổn định của mảng cảng. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể chờ thêm thông tin về các khoản đầu tư sắp tới của GMD (bao gồm cảng và tàu), đặc biệt là thông tin đấu thầu các dự án cảng nước sâu mới như Cái Mép Hạ hoặc Lạch Huyện.
Yếu tố hỗ trợ đối với khuyến nghị phụ thuộc vào việc GMD thu hút các dự án mới và tin tức liên quan đến việc phê duyệt quy trình pháp lý cho Gemalink Giai đoạn 2A và 2B, trong khi rủi ro giảm đối với khuyến nghị đến từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn dự kiến.
Lê Trần

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN