SSI: Lãi suất tiền gửi sẽ ổn định trong quý 2 và tăng nhẹ trong nửa cuối năm

"Hoạt động kinh tế sôi động hơn sẽ khiến cầu tín dụng tăng mạnh hơn, lạm phát cũng tăng cao hơn trong nửa cuối 2021 khiến lãi suất tiền gửi gia tăng" - Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư (SSI Research) cho hay. 
Lãi suất tiền gửi không có nhiều biến động trong quý 1/2021
Không tính đợt biến động ngắn mang tính chất mùa vụ của lãi suất liên ngân hàng trước và sau Tết Nguyên đán, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở vùng 0,2-0.3%/năm với kỳ hạn qua đêm trong suốt 9 tháng qua. Hiện nguồn cung trên liên ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp.
Đối với lợi tức TPCP tại Việt Nam, sau biến động mạnh cuối tháng 3, đầu tháng 4 do dịch bệnh bùng phát, lợi tức TPCP nằm trong xu hướng giảm và đạt đáy vào cuối tháng 1/2021 (giảm tổng cộng gần 100 điểm cơ bản so với cuối 2019).
Trong 2 tháng gần đây, lợi tức TPCP có nhích tăng từ 15-25 điểm cơ bản trên cả sơ cấp và thứ cấp tuy nhiên vẫn đang ở vùng thấp lịch sử. Lợi tức TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam hiện chỉ là 2,4%/năm - chỉ cao hơn của Mỹ khoảng 70 điểm cơ bản, mức chênh lệch thấp nhất từ trước tới nay.
Bởi vậy, lợi tức TPCP Việt Nam có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới để về mức hợp lý với mặt bằng lãi suất trái phiếu quốc tế nhưng khó tăng mạnh do thanh khoản các NHTM nhìn chung vẫn khá dư thừa.
Tóm lại, diễn biến trong nước vẫn thuận lợi để NHNN điều hành chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp hiện tại.
Lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 200-250 điểm cơ bản trong năm 2020 trong đó mạnh nhất là trong quý 3/2020. Trong quý 1/2021, SSI ghi nhận một số điều chỉnh tăng/giảm từ 10-40 điểm cơ bản tại một số NHTM (tập trung vào các kỳ hạn ngắn và khách hàng cá nhân) nhưng hầu hết giữ nguyên mức lãi suất tiền gửi ở mức 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,5-5,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,6-6%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Dù lãi suất tiền gửi giảm sâu xuống mức thấp chưa từng có nhưng huy động của các NHTM vẫn rất khả quan, cùng với đó là sự sụt giảm của cầu tín dụng khiến cho chênh lệch tiền gửi- tín dụng từ đầu năm 2020 đến này giãn khá rộng.
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tính đến 19/3/2021, tăng trưởng tín dụng là 1,47% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 0,54% của tiền gửi.
Bên cạnh sự dịch chuyển của dòng tiền sang các kênh đầu tư khác ngoài tiền gửi, các NHTM có thể đã chủ động giảm huy động để thu hẹp chênh lệch với dư nợ cho vay để đảm bảo mức sinh lời của ngân hàng.
SSI: Lai suat tien gui se on dinh trong quy 2 va tang nhe trong nua cuoi nam
 
Diễn biến lãi suất tiền gửi là nhân tố quyết định đến lãi suất cho vay
Trong năm 2020, lãi suất cho vay đã giảm từ 1-1,5%, thấp hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi (2-2,5%). Nhờ vậy, biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các NHTM đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%.
Bởi vậy, nếu lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, các NHTM sẽ có cơ sở để giảm thêm lãi suất cho vay cho khách hàng bằng cách thu hẹp NIM về mức thông thường là 3.5%.
Khảo sát trong quý 1/2021, ngoài VCB áp dụng giảm lãi suất cho toàn bộ dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid trong 3 tháng, BIDV triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kéo dài đến 30/9/2021, một số ít NHTMCP cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 10-40 điểm cơ bản nhưng chỉ với thời gian ưu đãi trong 6-12 tháng đầu, biên lãi suất cộng thêm để tính lãi các kỳ sau đó không thay đổi. Lãi suất cho vay ở hầu hết các NHTM vẫn ổn định so với thời điểm cuối năm 2020.
Bất chấp sự bùng phát của Covid-19, tăng trưởng GDP thực tế trong quý 1/2021 là 4,48% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kỳ vọng là 4,5-5% nhưng phù hợp với ước tính trước đó của Chính phủ với giả định kiểm soát tốt dịch bệnh. Giải ngân vốn FDI đang phục hồi tốt, hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng ấn tượng (lần lượt 22% và 26,3%).
SSI kỳ vọng tăng trưởng GDP so với cùng kỳ của quý 2/2021 sẽ là đỉnh của năm 2021 và sau đó sẽ bình thường hóa từ nửa cuối 2021, đạt mức 6-6,5% trong cả năm 2021 và 7% năm 2022.
Hoạt động kinh tế sôi động hơn sẽ khiến cầu tín dụng tăng mạnh hơn, lạm phát cũng tăng cao hơn trong nửa cuối 2021 khiến lãi suất tiền gửi gia tăng.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục ổn định trong hầu hết quý 2/2021 nhưng có thể nhích tăng từ 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2021. Lãi suất cho vay đối một số lĩnh vực ưu tiên có thể điều chỉnh giảm nhẹ ở một số ngân hàng nhưng về cơ bản mặt bằng lãi suất chung sẽ vẫn ổn định.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN