SSI: Chất lượng tài sản MBB suy giảm sớm hơn so với ước tính

Trong năm 2020, SSI kỳ vọng MBB ghi nhận tăng trưởng 3,8% so cùng trong tổng thu nhập hoạt động, nhưng vẫn giảm 6,6% so cùng kỳ trong lợi nhuận trước thuế.

Theo báo cáo cập nhật Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) của Chứng khoán Sài Gòn (SSI), MBB đã công bố kết quả kinh doanh Q1/2020, thấp hơn ước tính của SSI do chi phí dự phòng tăng vọt 117% so cùng kỳ. 

Theo đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) tăng 16,2%, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 9,4% so cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần và thu nhập từ chứng khoán đầu tư là động lực chính cho tăng trưởng TOI. 

Trong kỳ, MBB đã ghi nhận khoản lãi 582 tỷ đồng từ việc bán trái phiếu Chính phủ (so với 154 tỷ đồng trong Q1/2019). 

Trong khi đó, thu nhập ròng từ hoạt động dịch vụ và thu từ nợ xấu đã xóa giảm 1,8% và 7,2% so cùng kỳ.

SSI: Chat luong tai san MBB suy giam som hon so voi uoc tinh
 

Bảng cân đối kế toán của MBB thu hẹp với dư nợ tín dụng giảm 1,2% và tiền gửi khách hàng giảm 9% so đầu kỳ.

Chất lượng tài sản suy giảm sớm hơn so với dự kiến, với tỷ lệ nợ xấu đã tăng vọt lên 1,62% từ 1,16% vào cuối năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm còn 97,6% từ 110,5% tại thời điểm ngày 31/12/2019.

SSI: Chat luong tai san MBB suy giam som hon so voi uoc tinh-Hinh-2
 

SSI cho rằng, kết quả kinh doanh của MBB trong Q1/2020 thấp hơn kỳ vọng cả về tăng trưởng, lợi nhuận và chất lượng tài sản. Tuy nhiên, có hai điểm SSI đánh giá cao, đó là việc xử lý mạnh mẽ nợ xấu trong kỳ và các biện pháp cắt giảm chi phí hoạt động 0,7% với CIR là 32%. 

Vì đại dịch Covid-19 có thể sẽ gây thiệt hại lớn hơn đến lợi nhuận của ngân hàng trong Q2/2020, SSI đã điều chỉnh giảm ước tính cho năm 2020 với lợi nhuận trước thuế của MBB giảm 6,6% so cùng kỳ. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ước tính hồi phục lên 21,5% trong năm 2021.

MBB có thể cần nhiều thời gian hơn để giải quyết nợ xấu

Ngoại trừ cho vay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các khoản cho vay đối với tất cả các nhóm khách hàng đều giảm. Cho vay cá nhân vào cuối quý 1/2020 là 100,7 nghìn tỷ đồng (-1,4%), trong đó 8,22 nghìn tỷ đồng (-4,4%) là từ MB Shinsei. 

Các khoản cho vay đối với các công ty cổ phần và công ty TNHH cũng như các doanh nghiệp nhà nước giảm lần lượt là 0,8% và 0,03%. 

Theo chia sẻ từ phía ngân hàng, tăng trưởng chậm là do MBB đã chủ động hạn chế các khoản giải ngân mới, cũng như tăng cường thu hồi nợ mỗi khi khách hàng phát sinh đủ dòng tiền.

Về mặt huy động, khi tiền gửi của khách hàng và giấy tờ có giá giảm, ngân hàng phát sinh vị thế vay ròng trên thị trường liên ngân hàng. Mặc dù dòng tiền này sẽ hỗ trợ chi phí huy động trung bình trong ngắn hạn, SSI không đánh giá cao việc sụt giảm sâu của tiền gửi khách hàng.

Theo ngân hàng, nợ xấu tăng vẫn là từ các khách hàng SME, với tỷ lệ nợ xấu tăng lên 2,5% (từ mức dưới 2% trong Q4/2019). Phân khúc khách hàng cá nhân không tăng đáng kể về nợ xấu.

Theo quan sát của SSI, tỷ lệ nợ xấu hình thành nợ xấu của MBB đã có xu hướng tăng từ cuối năm 2017 khi MBB tái cơ cấu các khoản vay cho khách SME. Thông thường sẽ mất 3-4 năm để cơ cấu lại một nhóm khách hàng. Do đó, SSI đã ước tính nợ xấu của nhóm SME được giải quyết phần lớn vào năm 2019. Tuy nhiên, do đại dịch, ngân hàng có thể cần nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề này.

Chỉ duy nhất lợi nhuận công ty con MB Ageas Life tăng trưởng dương

Về kết quả kinh doanh công ty con. MB Ageas Life là công ty con duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong Q1/2020, đạt 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. MB Shinsei và MBS là hai công ty con có lợi nhuận trước thuế giảm nhiều nhất là 64,3% và 54,7% so cùng kỳ.

SSI: Chat luong tai san MBB suy giam som hon so voi uoc tinh-Hinh-3
 Tình hình kinh doanh của các công ty con MBB

Đối với MBShinsei, theo số liệu tính toán từ báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính riêng, rủi ro tín dụng dường như đã được kiểm soát tốt hơn gần đây. Trong Q1/2020, nợ xấu đã giảm còn 550 tỷ đồng (từ 558 tỷ đồng vào cuối năm 2019). Chi phí dự phòng của MBShinsei trên tổng chi phí dự phòng hợp nhất đã giảm từ 37-38% trong Q3 và Q4/2019 xuống chỉ còn 22% trong Q1/2020. Chi phí tín dụng, mặc dù đã tăng đáng kể so với Q1/2019 ở mức 17%, đã có xu hướng giảm kể từ Q3/2019. 

SSI đã điều chỉnh ước tính cho MBB để phản ánh tất cả diễn biến gần đây trong Q1/2020, cũng như tác động của Covid-19. Trong năm 2020, SSI kỳ vọng MBB ghi nhận tăng trưởng 3,8% so cùng trong tổng thu nhập hoạt động, nhưng vẫn giảm 6,6% so cùng kỳ trong lợi nhuận trước thuế.

Năm 2021, SSI kỳ vọng MBB sẽ đạt 30,5 nghìn tỷ đồng tổng thu nhập hoạt động và 11,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 19,3% tăng và 21,5% khi tất cả các nguồn thu nhập quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng từ mức thấp trong năm 2020 .


Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN