Sốc: Bầu Đức lại chi 1,3 triệu USD mua máy bay mới

Chiếc máy bay đã được nhập khẩu về Việt Nam, và đang chờ làm thủ tục để đưa sang Campuchia, phục vụ cho việc hỗ trợ kỹ thuật ở trang trại của bầu Đức ngay trong tháng 11.
Soc: Bau Duc lai chi 1,3 trieu USD mua may bay moi

Theo thông tin từ phía Hoàng Anh Gia Lai, chiếc máy bay thuộc dòng Thrush 510P đã cập cảng Cát Lái, TP HCM vào 17h chiều ngày 3/11. Hiện chiếc máy bay này đang chờ đợi làm thủ tục xuất sang tỉnh vùng sâu hẻo lánh Rattanakiri của Campuchia để đi làm đồng cho trang trại của Hoàng Anh Gia Lai Agrico.

Thời điểm này, Campuchia đang nghỉ lễ truyền thống Ok om bok, do đó, dự kiến sau khi hết lễ, các cơ quan chức năng Campuchia đi làm thì HAGL sẽ nhận được giấy phép nhập khẩu máy bay về vùng dự án của mình. Khi về tới Rattanakiri, máy bay sẽ được đội ngũ chuyên viên kỹ thuật từ Mỹ lắp ráp, chạy vận hành và bàn giao trong tháng 11 năm nay.

Đây là lần thứ hai ông Đoàn Nguyên Đức mua máy bay. Nếu lần trước bầu Đức mua máy bay là nhằm phục vụ di chuyển cho chính bản thân ông, thì lần này, chiếc máy bay chỉ có một nhiệm vụ là chăm sóc cho những cánh đồng rộng 30.000ha đang trồng chuối, thanh long, xoài, bưởi, và sầu riêng ở Campuchia.

Soc: Bau Duc lai chi 1,3 trieu USD mua may bay moi-Hinh-2

Dòng Thrush 510P rất nổi tiếng trong ngành nông nghiệp tại Mỹ nhờ khả năng cơ động và hiệu quả trên diện tích lớn.

Lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cho hay, máy bay nông nghiệp là giải pháp rất hiệu quả cho trang trại của HNG trong bối cảnh vườn chuối, thanh long, xoài, dừa đang đi vào khai thác ở Campuchia có diện tích lên đến trên 15.000ha. Khi đi vào vận hành, dự kiến máy bay có thể phun đủ lượng thuốc bảo vệ thực vật cho khoảng 1.000ha đồng ruộng. Trong khi đó, nếu sử dụng lao động phổ thông thì mỗi một người chỉ có thể phun được 1ha/ngày, còn các thiết bị bay không người lái tối đa cũng chỉ có thể phun được gần 30ha/ngày.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần lễ, hoạt động bón phân của trang trại sẽ hoàn thành. Đồng thời, sử dụng máy bay có người lại còn giúp tránh được nguy cơ ngộ độc cho người sử dụng, tiết kiệm thuốc, nước, phân bón so với phun tay hoặc thiết bị bay không người lái.

Thrush 510P là mẫu máy bay phục vụ nông nghiệp được phát triển bởi Pratt & Whitney - một công ty Hoa Kỳ chuyên sản xuất động cơ máy bay dân sự và quân sự có trụ sở tại East Hartford, Connecticut. Pratt & Whitney hiện là một trong ba nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu thế giới, bên cạnh General Electric và Rolls-Royce.

Chiếc máy bay có giá bán niêm yết hơn 1 triệu USD. Nếu cộng cả thuế và chi phí, con số sẽ ở mức hơn 1,3 triệu USD. Lương cho phi công điều khiển chiếc máy bay này đang ở mức 20.000 USD mỗi tháng, và phải thuê từ Philippine sang.

Phía Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia cho biết, đây là máy bay phục vụ nông nghiệp đầu tiên ở khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia. Riêng trong ngành công nghiệp chuối, trước HAGL, ở Đông Nam Á mới có Philippine sử dụng máy bay có người lái trong quá trình canh tác.

Vì là trường hợp đầu tiên nhập khẩu máy bay về để phục vụ nông nghiệp nên các thủ tục và trình tự pháp lý gần như chưa có quy định tại Campuchia. Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hàng không dân dụng Campuchia thời điểm ban đầu vẫn còn chưa hình dung được máy bay phục vụ nông nghiệp là như thế nào.

Sự kiện lần đầu tiên máy bay đi làm đồng ở Campuchia đang được ví như một câu chuyện cổ tích giữa đời thực. Đây được coi là cột mốc quan trọng cho nền nông nghiệp Campuchia, ghi dấu cho bước tiến triển mới, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hướng đến xuất khẩu.

Cũng theo Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia, chính tay Bộ trưởng đã viết thư gửi Bộ trưởng phụ trách Cơ quan hàng không dân dụng Campuchia để xin phép và tạo điều kiện cho HAGL được nhập máy bay về phục vụ sản xuất nông nghiệp tại Campuchia.

Tiếp theo đó, Bộ trưởng phụ trách Cơ quan Hàng không Dân dụng Campuchia cũng đã viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia để xin cấp phép cho việc nhập và vận hành máy bay của HAGL tại Campuchia. Các cơ quan chức năng đang tạo điều kiện thuận lợi để bầu Đức biến Campuchia trở thành một trong những quốc gia hiếm hoi trong khu vực sử dụng máy bay có người lái vào làm nông nghiệp.


Theo Nhịp sống kinh tế

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN