Siêu lạm phát ở Venezuela đã vượt mốc 40.000%?

Giá tiêu dùng tại quốc gia Nam Mỹ Venezuela đang được cho là đã tăng hơn 40.000% trong 1 năm qua...
Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela. Ảnh: Reuters. 
Tốc độ lạm phát ở Venezuela đã lập một kỷ lục mới, với giá tiêu dùng tại quốc gia đang chìm trong khủng hoảng kinh tế ở Nam Mỹ này được cho là đã tăng hơn 40.000% trong vòng 1 năm qua.
Theo trang Business Insider, số liệu về lạm phát ở Venezuela nói trên được đưa ra trong một báo cáo do Đại học Johns Hopkins của Mỹ thực hiện.
Giáo sư Steve H. Hanke của Đại học John Hopkins, một người đã theo dõi giá cả ở Venezuela trong hơn 2 thập niên, nói rằng tốc độ lạm phát hàng năm ở nước này đã lên tới 41.838%.
Chính phủ Venezuela từ lâu đã dừng công bố các thống kê kinh tế, bao gồm dữ liệu lạm phát. Ngân hàng Trung ương Venezuela cũng đã dừng đưa ra số liệu lạm phát trong ít nhất 1 năm trở lại đây.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro luôn cho rằng các thế lực thù địch trong và ngoài nước, bao gồm Mỹ, đã gây ra những thách thức kinh tế to lớn của nước này. Trong một cuộc vận động tranh cử hồi tháng 5, ông Maduro đổ lỗi cho "các băng đảng tội phạm" gây ra tình trạng siêu lạm phát ở Venezuela.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho rằng các chính sách kinh tế sai lầm của ông Maduro đã đẩy Venezuela vào khủng hoảng kinh tế. Đến nay, ông Maduro vẫn từ chối đề nghị viện trợ quốc tế dành cho nước này.
"Lý do hoàn toàn nằm ở bên trong. Chi tiêu chính phủ tiếp tục tăng mạnh, trong khi nguồn thu ngân sách giảm dần", giáo sư Hanke nhấn mạnh.
Giới chuyên gia ước tính Chính phủ Venezuela hiện nợ khoảng 60 tỷ USD trái phiếu, trong đó một lượng lớn đã bị trễ hạn thanh toán. Theo một phân tích của Capital Economics, dự trữ ngoại hối của Venezuela đã giảm khoảng 2,5 tỷ USD chỉ trong vòng 3 tháng qua.
Sản lượng khai thác dầu của công ty dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA ngày càng sụt giảm do tác động của khủng hoảng kinh tế.
Xuất khẩu dầu chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu và 1/4 GDP của Venezuela. Sản lượng dầu của PDVSA đã giảm một nửa trong thời gian từ tháng 1/2016-1/2018, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Trong bối cảnh khủng hoảng tiếp diễn, mức sản lượng được dự báo tiếp tục giảm sâu hơn.
Trong khi đó, giá dầu thế giới đang tăng mạnh. Tuần trước, giá dầu WTI tain Mỹ tăng 8%, nâng tổng mức tăng trong 6 tháng đầu năm lên 23%. Giá dầu tăng mạnh càng gây sức ép lạm phát lớn hơn lên Venezuela.
Tình hình hiện nay khiến các nhà đầu tư mất niềm tin nghiêm trọng vào Venezuela, giáo sư Hanke nhận định. "Ai có một đồng Bolivar của Venezuela đều cố gắng tiêu thật nhanh, vì họ cho rằng đến ngày mai đồng tiền đó sẽ chẳng còn giá trị gì", ông nói.
Hồi tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát cả năm 2018 của Venezuela có thể đạt mức 13.000%. Ông Hanke không ngạc nhiên trước chênh lệch trước dự báo của IMF và con số mà ông đưa ra về lạm phát ở Venezuela, nhấn mạnh rằng không ai có thể "dự báo chính xác về đường đi hay thời gian kéo dài của siêu lạm phát".
Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng sự hiện diện của siêu lạm phát ở Venezuela là rõ ràng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 90% người dân Venezuela sống dưới ngưỡng nghèo trong năm 2017, và phần lớn những người được khảo sát cho biết họ đã bị giảm 25 pound (hơn 11 kg) thể trọng.
"Siêu lạm phát đang tàn phá nền kinh tế Venezuela", chuyên gia kinh tế cấp cao Andres Abadia thuộc Pantheon Macroeconomics phát biểu. Ông Abadia dự báo kinh tế Venezuela sẽ suy giảm trong năm 2015, đánh dấu năm giảm thứ 5 liên tiếp, và chưa có dấu hiệu sớm hồi phục.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela bị phe đối lập tẩy chay diễn vào tháng 6, ông Maduro dễ dàng giành chiến thắng để cầm quyền thêm 6 năm nữa. Trước khi diễn ra bầu cử, ông Maduro đã tăng gấp 3 lần lương cơ bản hàng tháng lên mức 3 triệu Bolivar, nhưng theo ước tính của Reuters, mức lương này chỉ tương đương hơn 1 USD nếu tính theo tỷ giá "chợ đen" vào thời điểm đó.
Theo An Huy/VnEconomy

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN